Mới đây, Tập đoàn bán lẻ Fast Retailing, chủ sở hữu thương hiệu quần áo Uniqlo, đã công bố lợi nhuận hoạt động theo quý tăng 7,5%, chủ yếu nhờ vào việc mở rộng kinh doanh ở châu Á, bù đắp cho hoạt động yếu kém tại chính quê nhà Nhật Bản.
Theo đó, lợi nhuận hoạt động khu vực nước ngoài của Fast Retailing chủ yếu đến từ Uniqlo, thương hiệu thời trang vốn nổi tiếng với sản phẩm áo khoác nhẹ và công nghệ vải HeatTech. Doanh thu từ Uniqlo chiếm khoảng 4/5 doanh thu của Fasst Retailing và đã tăng 50,7% trong quý vừa qua.
Kết quả này cũng góp phần nhấn mạnh sự hiện diện ngày càng rõ rệt của Uniqlo tại Châu Á, chiếm tới 80% mảng doanh thu nước ngoài.
Theo Giám đốc tài chính (CFO) Takeshi Okazaki, với hệ thống cửa hàng của Uniqlo tại Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc và Đông Nam Á, “một số quốc gia trong khu vực này còn mang về lợi nhuận cao hơn cả ở Nhật”.
Quý vừa qua, Uniqlo đã mở thêm 50 cửa hàng tại nước ngoài, và đóng cửa 8 cửa hàng khác. Hiện, tổng số cửa hàng của Uniqlo đã lên đến 1.071 cửa hàng, nhiều gấp 3 lần so với 5 năm trước. Công ty cho biết vẫn có kế hoạch mở thêm nhiều cửa hàng tại Đông Nam Á trong năm tới.
Trong khi đó, lợi nhuận của Fast Retailing tại Nhật Bản giảm 18%. Nguyên nhân chủ yếu của mức sụt giảm này là do đồng Yên yếu hơn, làm ảnh hưởng đến chi phí của hàng hóa; bên cạnh đó là việc tăng chi phí cho mảng hậu cần và tiền lương.
Fast Retailing được Tadashi Yanai thành lập từ năm 1963. Với chiến lược cạnh tranh bằng giá cả, Công ty đã phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực bán lẻ và trở thành một hãng bán lẻ thời trang phát triển nhanh nhất nước Nhật, đánh bại các đối thủ “sừng sỏ” ra đời từ trước đó.
Để thực hiện tham vọng này, Fast Retailing đã cho xây dựng trung tâm hậu cần và không gian văn phòng kết hợp tại Tokyo, tập hợp tất cả các nhân viên từ cả phòng ban, bao gồm cả phòng marketing và thương mại điện tử.
Tại những văn phòng cũ của Công ty, phòng công nghệ khá tách biệt so với những phòng khác, tức là nằm hẳn ở một tầng khác. Giờ đây, các nhóm được liên kết chặt chẽ với nhau để hiểu rõ hơn nhu cầu của từng bộ phận, tiến hành cải thiện và tăng tính hiệu quả cho công việc, mà theo Giám đốc thông tin Makoto Koketsu, “cần phải lắng nghe, trao đổi trực tiếp với những phòng khác mới giúp tạo ra những thay đổi đáng kể được”.
Giám đốc điều hành (CEO) Tadashi Yanai cũng đang tiến hành đại tu chuỗi cung ứng của mình để không bị tụt hậu so với các đối thủ. Theo đó, Fast Retailing đặt ra mục tiêu giảm lượng hàng tồn kho, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.
Yanai lên kế hoạch thêm yếu tố “kỹ thuật số” để thay đổi mô hình kinh doanh. Ông tin rằng, tận dụng nguồn thông tin mà công ty có từ trước có thể giúp giảm lượng sản phẩm tồn kho, từ đó sẽ không còn phải tổ chức những đợt giảm giá lớn để giải phóng hàng tồn nữa. CEO cũng nhấn mạnh việc muốn xây dựng một website nổi bật hơn, đủ sức cạnh tranh với “gã khổng lồ” Amazon.
“Ngành may mặc trong nước đang phải đối mặt với những giai đoạn khó khăn và không thể kỳ vọng doanh số bán hàng tăng lên”, CFO Takeshi Okazaki nhận định, “Thương mại điện tử sẽ là nhân tố giúp chúng tôi thúc đẩy tăng trưởng”. Ông cũng nói thêm rằng, mặc dù Uniqlo đã làm tốt việc thu hút khách hàng đến với các cửa hàng của mình, song Công ty cần phải nỗ lực nhiều hơn để kéo lượng truy cập vào website tăng lên.
Trong quý vừa qua, doanh thu từ mảng thương mại điện tử đã tăng 17,3%, chiếm 6,2% doanh thu nội địa của Uniqlo. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này đã làm giảm kỳ vọng của công ty.
“Doanh số thương mại điện tử nên tăng ít nhất là 30%”, Okazaki nói, “Website của chúng tôi vẫn chưa phủ sóng rộng rãi tới người tiêu dùng hoặc chưa thu hút được nhiều khách hàng.”
Nếu mọi thứ diễn ra đúng như toan tính của CEO Tadashi Yanai, sau cuộc “cách mạng” của Fast Retailing nói chung và Uniqlo nói riêng, thế giới sẽ thấy một Uniqlo được “lột xác” hoàn toàn trong vòng hai năm tới.
Mai Thảo (Theo ĐTCK)