Việt Nam tăng cường ký kết các hiệp định thương mại (FTA) không chỉ đơn thuần chỉ là mở cửa, hội nhập thị trường quốc tế thông thường, mà còn hướng đến mục tiêu cải thiện thâm hụt thương mại hiện đang tập trung ở một số khu vực.
Phát biểu tại Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế TP.HCM năm 2018 với chủ đề “Tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh” do Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế phối hợp cùng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tổ chức ngày 8-10, ông Ngô Chung Khanh, phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), cho biết việc VN tăng cường ký kết các hiệp định thương mại (FTA) không chỉ đơn thuần là mở cửa, hội nhập thị trường quốc tế thông thường, mà còn hướng đến mục tiêu cải thiện thâm hụt thương mại.
Theo ông Khanh, nếu trước năm 2007 VN chỉ mới có hai FTA được thực thi, thì sau thời điểm nói trên, VN đã tiến hành ký kết nhiều FTA song phương lẫn đa phương với một số quốc gia khác. Việc VN gia nhập WTO đã tạo tiền đề giúp VN có “tấm vé” tham gia vào các FTA một cách chính thức,
Tuy nhiên, lý do VN phải ký nhiều FTA nhằm cải thiện cán cân thương mại, tránh tình trạng thâm hụt lớn tại khu vực Đông Á, do xu hướng giao dịch thương mại tự nhiên của các doanh nghiệp VN là thích làm ăn gần nên 70-80% giao dịch tập trung ở khu vực Đông Á.
Việc tập trung lớn giao dịch tại khu vực này cũng phát sinh nhiều bất cập, trong đó đơn cử năm 201, thâm hụt thương mại lên đến 70 tỉ USD.
Cụ thể, mậu dịch của VN thâm hụt với Trung Quốc 23 tỉ USD, với Hàn Quốc 30 tỉ USD, với ASEAN 6,5 tỉ USD.
Trong khi nếu chịu khó đi “đánh bắt xa bờ”, thị trường Mỹ đã mang đến thặng dư cho VN trên 32 tỉ USD, với EU xấp xỉ 26 tỉ USD, hay với khu vực EAEU cũng tròm trèm 2 tỉ USD.
Ông Khanh cũng cho rằng khi ký kết các FTA, lợi ích của một số ngành có thế mạnh xuất khẩu, chẳng hạn như dệt may, ngày càng phát huy thế mạnh về thuế quan khi các FTA vào thực thi.
Ví dụ, khi tham gia WTO, thuế quan áp dụng với hàng may mặc có mức thuế suất trung bình 25%, nhưng với các FTA ký kết sau này, mức thuế quan chỉ còn trung bình từ 0-5%.
Mức độ mở cửa của các nước đối với VN trong các FTA cũng dần tăng theo khả năng áp dụng.
Trong 10 FTA đã thực thi và hai FTA dự kiến sắp có hiệu lực thì Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do VN-EU (EVFTA) có mức mở cửa “thoáng” nhất, trong đó phạm vi dòng thuế cắt giảm lên tới 100% từ năm 2019-2035 đối với CPTPP và 99% đối với EVFTA cho giai đoạn 2020-2030.
Theo Tuổi Trẻ