Một góc nhìn cận cảnh về cạnh tranh thương mại điện tử gay gắt tại khu vực Đông Nam Á.

iPrice – công ty cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tổng hợp – nhận thấy rõ xu hướng tăng trưởng nhanh của thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á. Công ty này đã tiến hành một nghiên cứu về thị trường thương mại điện tử lần lượt ở Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Ba quốc gia này không chỉ là đại diện tiêu biểu cho khu vực về thị trường thương mại điện tử mà còn về thị trường kinh tế nói chung.

Lazada mạnh ở Thái Lan, Malaysia nhưng gặp cạnh tranh tại Việt Nam

Lazada đã hoạt động tại Đông Nam Á trong 5 năm. Nhận được sự đầu tư từ Alibaba vào tháng 4 năm 2016, trang này trở thành lựa chọn hàng đầu trong số các gian hàng trực tuyến ở Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.

Tại Thái Lan, Lazada có lượng truy cập chiếm 52,6%, theo sau là 11Street với 12,2% và Shopee với 4,4%. Trong khi đó, thị trường Malaysia do Lazada thống trị với 48,5%, hai á quân là 11Street và Lelong đạt kết quả lần lượt 16,4% và 10,5%.

Ở Việt Nam, mặc dù dẫn đầu nhưng Lazada chỉ chiếm 19% lượng truy cập, các công ty nội địa như Thế giới di động và Sendo lần lượt chiếm 15% và 11% thị phần. Con số này đã minh chứng cho sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường Việt Nam, không giống như Malaysia và Thái Lan nơi Lazada thống trị và tạo khoảng cách xa với các đối thủ liền kề.

Tìm kiếm thông tin và quyết định mua sắm

Cũng theo nghiên cứu này, mục tiêu tìm kiếm thông tin cũng đa dạng ở mỗi nước. Người Malaysia có xu hướng tìm thông tin về khuyến mãi và giảm giá, không giống ở Thái Lan và Việt Nam.

Người Việt thường tìm thông tin về giá cả và xem sản phẩm còn hàng hay không. Người Thái được cho là có tinh thần tập thể vì họ có xu hướng lắng nghe bạn bè và gia đình khi tìm kiếm thông tin.

Với sự tiến bộ của công nghệ và việc truy cập thông tin dễ dàng, hành vi của người Thái đã thay đổi. Mặc dù người dân Thái Lan thường tìm kiếm thông tin về sản phẩm qua các kênh trực tuyến, nhưng họ vẫn chuộng mua sắm ở các cửa hàng không trực tuyến.

Có nhiều yếu tố để giải thích cho hành vi này, ví dụ như, người Thái không tin tưởng hệ thống mua sắm trực tuyến, vì họ không thể chạm và thử sản phẩm trước khi quyết định mua. Chưa kể, họ cảm thấy thoải mái khi có một nhân viên tư vấn, bán hàng hỗ trợ trong quá trình mua sắm.

Mua hàng quốc tế

Việc mua hàng quốc tế trở thành lựa chọn hàng đầu của khách hàng Đông Nam Á đang tìm kiếm nhiều sự lựa chọn bên ngoài quốc gia của họ.

Người Việt mua hàng quốc tế vì họ tin rằng các sản phẩm nước ngoài có chất lượng cao hơn sản phẩm cùng loại được sản xuất trong nước.

Người Thái cũng thích mua hàng từ các công ty quốc tế do có số lượng mặt hàng đa dạng. Họ cũng tin rằng việc đặt hàng trực tuyến từ các công ty quốc tế sẽ rẻ hơn so với khi chúng được bày bán tại các cửa hàng địa phương.

Một trong những rào cản của mà khách hàng phải đối mặt là rào cản ngôn ngữ. Đây gần như là vấn đề hiển nhiên đối với người Thái và người Việt. Đó là bởi vì họ không thoải mái khi dạo quanh những trang web bán hàng trực tuyến sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh.

Người Malaysia thì khác, do thường sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hằng ngày nên họ không gặp vấn đề ngôn ngữ khi mua hàng trực tuyến từ các trang web quốc tế.

Người Thái, người Việt thường tham gia các trang Fan page thương mại điện tử trên Facebook

iPrice cũng hợp tác với Socialbaker, công ty dẫn đầu về phân tích phương tiện truyền thông xã hội, để nghiên cứu sự tham gia của người dùng vào truyền thông xã hội trên các trang Facebook thương mại điện tử ở mỗi quốc gia.

Kết quả nghiên cứu cho thấy người Thái có tỉ lệ tương tác cao nhất trên mỗi một ngàn người yêu thích trang mạng xã hội khi đạt 237,6 điểm. Tiếp đến là người Việt với 208,9 điểm và người Malaysia đạt 109 điểm.

Dữ liệu trên thể hiện rằng người Thái tham gia nhiều hơn vào các nội dung trên các trang Facebook thương mại điện tử. Họ thường thích, chia sẻ và bình luận về bài đăng nhiều hơn cư dân ở hai quốc gia còn lại.

Thái Lan được kỳ vọng trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á vào năm 2025.

 

 

Theo nghiên cứu e-conomy SEA (về kinh tế điện tử tại khu vực Đông Nam Á) do Google và Temasek thực hiện, thị trường thương mại điện tử Thái Lan đạt 0,9 tỉ USD trong năm 2015. Thị trường này ước đạt tỉ lệ tăng trưởng bình quân 29% qua từng năm và sẽ đạt 11,1 tỉ USD vào năm 2025, được kỳ vọng trở thành thị trường lớn nhất ở 3 quốc gia trong nghiên cứu và trở thành thị trường lớn thứ hai tại khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.

Trong khi đó, Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất trong cả 3 quốc gia nhưng quy mô thị trường nhỏ hơn Thái Lan.

Với sự cạnh tranh gay gắt diễn ra ở mỗi quốc gia đã dần phác họa nên bức tranh viễn cảnh thú vị của thị trường thương mại điện tử tại Đông Nam Á trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Chắc chắn, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ cuộc cạnh tranh gay gắt này không chỉ vì họ có nhiều lựa chọn hơn mà còn có thể đặt kỳ vọng nhiều hơn về sự đa dạng sản phẩm cũng như chất lượng phục vụ.

 

Thảo Trần (theo e27)