Thực hiện nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT giao, năm 2012 là năm thứ 7 Hội Tin học Việt Nam cùng với Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT thực hiện việc đánh giá, xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam – Vietnam ICT Index với mong muốn hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhanh chóng đánh giá hiện trạng tình hình ứng dụng CNTT-TT trên phạm vi cả nước cũng như tại từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Mặc dù công việc chuẩn bị được bắt đầu khá sớm, nhưng do nhiều yếu tố khách quan nên thời gian chuẩn bị kéo dài, đến đầu tháng 6/2012 mới có thể gửi công văn của Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT và phiếu điều tra cho các đối tượng. Thời hạn nộp báo cáo là 20/07/2012, nhưng đến thời điểm này vẫn còn một số đơn vị chưa gửi báo cáo, thậm chí đến sát ngày khai mạc Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ 16 tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai mới thu được gần đủ báo cáo của khối các bộ, cơ quan ngang bộ và khối các tỉnh, thành phố. Vì vậy, trái với thông lệ hàng năm, tại Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ 16, Hội Tin học Việt Nam chỉ có thể công bố báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Vietnam ICT Index (2006-2011) thay cho Báo cáo năm 2012. Đến nay đã hoàn thành Báo cáo đánh giá, xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam năm 2012 (Vietnam ICT Index 2012) cho tất cả 04 nhóm đối tượng và hy vọng Báo cáo Vietnam ICT Index 2012 vẫn sẽ tiếp tục được đón nhận và sử dụng với ý nghĩa tích cực nhất.

Vietnam ICT Index được đánh giá theo 4 nhóm đối tượng: Bộ – Ngành, Tỉnh – Thành phố, Doanh nghiệp nhà nước lớn và các Ngân hàng thương mại. Vietnam ICT Index được xây dựng dựa trên bốn nhóm tiêu chí lớn là hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng, hạ tầng nhân lực và môi trường tổ chức chính sách. Các nhóm chỉ tiêu không thay đổi nhiều về số lượng nhưng bổ xung thay thế một số chỉ tiêu liên quan đến an toàn, an ninh thông tin; cơ sở dữ liệu chuyên ngành; sử dụng văn bản điện tử; ứng dụng phần mềm nguồn mở; dịch vụ công được ưu tiên cung cấp trực tuyến theo quyết định 1605/QĐ-TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ v.v. chi tiết hóa một số mục: thiết bị dùng cho an toàn, an ninh thông tin; nội dung của website/cổng thông tin điện tử; số văn bản, ngày ban hành các cơ chế chính sách cho ứng dụng CNTT.

Qua xử lý phiếu điều tra, vẫn còn phổ biến một số sai sót trong quá trình thu thập và tổng hợp số liệu điều tra như: hiểu sai về phạm vi điều tra, không có sự gắn kết logic với số liệu của các năm trước, cũng như với các số liệu liên quan khác của năm điều tra. Năm nay trong quá trình xử lý số liệu, Văn phòng BCĐ đã gửi công văn yêu cầu các đơn vị có sự đột biến lớn về số liệu giải trình về các đột biến đó. Đã có: 03 bộ, CQNB (13%) và 20 tỉnh, thành phố (31.7%) đã gửi công văn giải trình về những sự thay đổi không bình thường trong số liệu của đơn vị mình. Căn cứ các công văn giải trình này, kết hợp cùng với số liệu của các năm trước đã hiệu chỉnh số liệu của các đơn vị sao cho đảm bảo tính logic và sự hợp lý của số liệu. Trong báo cáo kết quả thực hiện Vietnam ICT Index 2012 gửi Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT đã kiến nghị: từ năm sau trong quy trình xây dựng Vietnam ICT Index sẽ bổ sung thêm bước kiểm tra thực tế đối với các đơn vị có sự biến động lớn về số liệu nhằm đảm bảo sự công bằng và chính xác của kết quả đánh giá xếp hạng.

Dựa trên các số liệu thu thập được từ các đối tượng điều tra, sau khi kiểm tra, cập nhật, đối chiếu, điều chỉnh v.v, đã tiến hành tính toán các hệ số tương quan theo phương pháp phân tích thành phần chính – Principal Components Analysis (hay còn gọi là trọng số) của các nhóm chỉ tiêu được thực hiện bằng phần mềm S-PLUS 2000 Professional Release 3 của hãng Mathsoft, Hoa Kỳ. Các kết quả tính toán này hoàn toàn dựa trên số liệu thực từ báo cáo của các đối tượng điều tra. Cùng với chỉ số chính ICT Index, báo cáo cũng công bố các chỉ tiêu thành phần để các đối tượng cung cấp số liệu có thể tự kiểm tra tính đúng đắn của số liệu do mình cung cấp (bằng cách tính ngược lại trên cơ sở các chỉ tiêu đã được chuẩn hóa một phần). Hy vọng việc này sẽ giúp cho các đơn vị rút ra được các kinh nghiệm cần thiết nhằm nâng cao chất lượng của số liệu trong các lần điều tra sau.

Kết quả:

Trong báo cáo có dẫn các đánh giá xếp hạng 2 năm nhất, năm 2012 nhìn chung các chỉ số về thực trạng ứng dụng CNTT-TT của các nhóm đối tượng đều tăng theo xu thế phát triển, có chỉ số đạt mức 100%. Về hạ tầng kỹ thuật: Khối Bộ ngành và Ngân hàng đều có tỷ lệ gần 100% CBCNV có máy tính trong khi  các tỉnh thành chỉ ở mức gần 60%, doanh nghiệp 30%. Trong khi các Bộ ngành và Ngân hàng có tỷ lệ cán bộ chuyên trách CNTT ở mức cao thì Tỉnh thành và Doanh nghiệp còn ở mức khá thấp. Việc triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên mạng của các cơ quan QLNN các cấp gần đạt mức 100% và đang có xu thế tăng dần cho khối quận, huyện và sở ngành. Triển khai hệ thống 1 cửa điện tử cấp huyện tốt hơn cấp tỉnh nhưng còn yếu ở khối các sở ban ngành. Các chỉ tiêu mới đưa vào đều có số liệu thực trạng tương đối đầy đủ như các chỉ số về ứng dụng PMNM, về an ninh an toàn thông tin, đã chi tiết hoá thực trạng của các văn bản môi trường tổ chức chính sách thúc đẩy ứng dụng. Năm 2012 tuy kinh tế khó khăn nhưng tỷ lệ đầu tư cho CNTT-TT đặc biệt cho khối Tỉnh – Thành đã có mức tăng đáng kể so với các năm trước đạt mức: đầu tư hạ tầng đạt 3,663,820 đ/ CBCC, chi cho ứng dụng CNTT đạt 4,750,511 đ/ CBCC.

Khối Bộ – Ngành, Bộ Công thương tiếp tục đẫn đầu bảng xếp hạng, tiếp đó là Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ tăng đột biến lên vị trí thứ 3 trong khi Bộ TTTT tăng lên hạng 4. Bộ Y tế tụt từ hạng 9 xuống 14, Ngân hàng Nhà nước tụt từ hạng 3 xuống hạng 9.

Khối Tỉnh – Thành phố: Đà nẵng vẫn giữ vững vị trí số 1 nhiều năm nay cùng Tp HCM ở vị trí thứ 2.  Hải phòng tăng lên hạng 4 trong khi Hà Nội lùi dần tới vị trí thứ 10. Một số tỉnh có tăng giảm đột biến đáng chú ý có: Bình Phước từ hạng 49 (2011) lên hạng 13, Ninh Bình từ hạng 46 lên hạng 17. Nhiều tỉnh tụt hạng đột biến như Ninh Thuận, Thái Bình và Hưng Yên.

Khối Doanh nghiệp: Tổng Công ty Thép VN và Thương mại Sài gòn dẫn đầu bảng xếp hạng, nhóm các Ngân hàng thương mại vẫn là các Ngân hàng nhà nước duy trì top 3 đứng đầu là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN, 2 ngân hàng TMCP là Quân đội và Thịnh vượng vươn lên vị trí thứ 4 và thứ 5.

Dự kiến, Vietnam ICT Index 2013 sẽ thu thập số liệu từ ngay tháng 1/2013 và lấy mốc số liệu hết tháng 12/2012 và duy trì bộ chỉ số đánh giá như 2012. Vietnam ICT Index 2013 sẽ công bố trong tháng 2 năm 2013.

Chi tiết Báo cáo Việt Nam ICT Index năm 2012 download tại đây.

VECOM

Các bài liên quan:

Camera Hoàng Lâm: kinh doanh online, shop “ảo”, tiền “thật”

Chiến lược kinh doanh trực tuyến với công nghệ mới của Google

DN điện tử, CNTT Trung Quốc muốn hợp tác kinh doanh tại Việt Nam