Ứng dụng nông nghiệp đem lại 7 tỷ đồng/tháng cho Viettel

Trong số các doanh nghiệp CNTT lớn nhất tại Việt Nam, Viettel đang đi đầu về việc hỗ trợ triển khai ứng dụng CNTT trong nông nghiệp. Theo chia sẻ của ông Bùi Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp cộng đồng Viettel, nhiều năm qua, Viettel đã hợp tác triển khai cổng thông tin điện tử www.nhanong.com.vn với chức năng hỗ trợ thông tin cho nông dân, nông nghiệp, ước tính doanh thu đem lại khoảng 4 tỷ đồng/tháng. Hoặc triển khai các đầu số, tổng đài cung cấp các gói thông tin về giá cả, cảnh báo dịch bệnh, thời tiết bất lợi, bản tin phân tích thị trường của các sản phẩm tiêu, điều, cà phê,…

“Tính tổng doanh thu từ ứng dụng CNTT trong nông nghiệp thì Viettel thu khoảng 7 tỷ đồng/tháng, cao hơn nhiều so với tổng doanh thu mà các nhà cung cấp ứng dụng game đem lại mỗi tháng cho Viettel”, ông Bùi Quang Huy nhấn mạnh.

Đại diện Viettel cho rằng một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của việc phát triển ứng dụng CNTT trong nông nghiệp là thiếu đội ngũ nhân lực CNTT có thể hiểu biết chuyên ngành sâu về nông nghiệp. Mới đây, Viettel vừa hỗ trợ cho một cá nhân ở Đăk Lăk triển khai giải pháp ứng dụng CNTT trong nông nghiệp. Cá nhân đó chịu trách nhiệm về ý tưởng, kiến thức chuyên ngành, còn Viettel chịu trách nhiệm đầu tư vốn, công nghệ để triển khai ý tưởng.

Với thế mạnh sở hữu 56 triệu thuê bao, trong đó có 10 triệu thuê bao nông nghiệp, Viettel sẵn sàng hợp tác bằng cách miễn phí hoặc giảm cước phí viễn thông cho các giải pháp, ứng dụng CNTT phục vụ cộng đồng, đặc biệt là trong các giải pháp, ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp để giúp nông dân thu được tiền tỷ.

Cổng thông tin Nhà nông đang đem lại doanh thu 4 tỷ đồng/tháng cho Viettel.

“Nông nghiệp thông minh vẫn là mảnh đất còn trống”

Dù chưa có các giải pháp, ứng dụng CNTT cho nông nghiệp cụ thể, song bước đầu, Hanel cũng đã có sự quan tâm tới lĩnh vực này.

Trong buổi thuyết trình mới đây với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về Mô hình và giải pháp hiện đại hóa đất nước, TS. Nguyễn Quốc Bình, Tổng giám đốc Hanel cho biết mô hình nông nghiệp thông minh đang được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều ứng dụng cụ thể khác nhau. Chẳng hạn giải pháp ứng dụng CNTT hỗ trợ quản lý nguồn gốc thực phẩm quản lý đầy đủ quá trình từ con giống đến khi trở thành mặt hàng bày bán ở siêu thị, trước mắt cho các thực phẩm từ gia súc (thịt lợn, bò,…). Hoặc giải pháp sàn giao dịch điện tử cho phép các đơn vị sản xuất tham gia trực tiếp vào quá trình bán hàng, giảm sự chi phối của thương lái. Hoặc các giải pháp tự động hóa chăn nuôi như quản lý tưới tiêu, ánh sáng, thuốc trừ sâu … hỗ trợ quá trình chăn nuôi chuyên nghiệp.

“Ở Việt Nam, dù nông nghiệp luôn được đánh giá là ngành kinh tế có thế mạnh nhưng hầu hết các hoạt động sản xuất, phân phối nông nghiệp vẫn mang đậm tính thủ công. Lĩnh vực nông nghiệp thông minh vẫn còn là mảnh đất trống”, TS. Nguyễn Quốc Bình nhận định.

Người đứng đầu Hanel đề xuất Chính phủ và Quốc hội sớm tạo cơ chế đầu tư ban đầu vào nghiên cứu nông nghiệp thông minh thông qua các khu CNTT tập trung và quỹ khoa học công nghệ; mở chuỗi trung tâm trên toàn quốc tại các trường, các khu CNTT về việc tự làm các thiết bị tập trung vào ứng dụng CNTT trong nông nghiệp. Mặt khác, có thể đặt hàng Hanel nghiên cứu đề tài (sử dụng nguồn vốn khoa học công nghệ quốc gia) về nông nghiệp thông minh để tạo nền tảng chung về công nghệ, tạo điều kiện cho ứng dụng CNTT trong nông nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Theo ICTNews