Bộ Công Thương đăng tải toàn văn Dự thảo Đề cương chiến lược phát triển các ngành thép, ô tô, sữa, thị trường bán lẻ Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân.

Bán lẻ là khâu quan trọng của quá trình phân phối, là một trong những lĩnh vực đóng góp quan trọng vào GDP và tạo việc làm của nền kinh tế. Theo số liệu thống kê năm 2021, ngành bán buôn và bán lẻ chiếm tỷ trọng khoảng 9,14% – 9,59% GDP, đồng thời thu hút khoảng 12,7% – 14,7% số lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hàng năm trong giai đoạn 2015 – 2021. Trong cơ cấu của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ luôn chiếm tỷ trọng khá và tăng đều qua các năm, điều này cho thấy phát triển thị trường bán lẻ là một trong những mục tiêu và động lực quan trọng của tăng trưởng thương mại nội địa cũng như tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Xây dựng chiến lược phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam đến năm 2030

Thực trạng phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam thời kỳ 2011-2021 cho thấy những kết quả và thành tựu đã đạt được là đáng khích lệ. Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh trong những năm gần đây, khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng luôn duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh. Năm 2020, quy mô thị trường bán lẻ đạt mức khá, khoảng 179 tỷ USD (tăng từ mức 88 tỷ USD năm 2010 lên 102 tỷ USD năm 2015 và khoảng 130 tỷ USD năm 2017). Các thành phần kinh tế tham gia thương mại bán lẻ ngày càng đa dạng, nếu như trước đây việc bán lẻ hàng hóa chỉ do hệ thống cửa hàng thương mại quốc doanh đảm nhiệm thì đến nay đã có sự góp mặt của các doanh nghiệp tư nhân.

Về phương thức kinh doanh, thương mại bán lẻ đang có sự chuyển dịch từ những phương thức kinh doanh truyền thống sang hình thức kinh doanh hiện đại trên nền tảng số và thương mại điện tử, mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến. Bên cạnh việc tăng trưởng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện lợi và chuyên doanh hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển khá nhanh ở các thành phố lớn và cũng đã có mặt ở nhiều khu vực nông thôn, tạo cho người dân dần quen hơn với hình thức mua bán văn minh hiện đại. Cùng với đó, hệ thống chợ truyền thống được quan tâm đầu tư nâng cấp cải tạo và phát triển theo quy hoạch đã làm thay đổi diện mạo của thương mại, nhất là ở các khu vực nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc phát triển thị trường bán lẻ, nhất là cung ứng hàng hóa thiết yếu và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tại các khu vực nông thôn trong thời gian qua còn có những tồn tại, bất cập. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp phân phối trong nước còn hạn chế. Việc xây dựng hệ thống hàng rào kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu để bảo vệ thị trường trong nước trước sự thâm nhập của các doanh nghiệp phân phối nước ngoài và nguồn cung hàng hóa nhập khẩu. Hoạt động bán lẻ ở khu vực nông thôn chủ yếu do các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh thực hiện, các chủ thể này phần lớn thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực về vốn, công nghệ và lao động còn rất hạn chế, do vậy thiếu chủ động trong khai thác và dự trữ nguồn hàng, ảnh hưởng đến tính ổn định trong kinh doanh.

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng hàng hóa không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được tiêu thụ, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Việc liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển đến người tiêu dùng còn nhiều hạn chế, thực tế là nhà sản xuất luôn phải đối mặt với tình trạng “được mùa, mất giá”, nhà phân phối thì bị động với hàng hóa cung ứng, khâu vận chuyển bị đội giá khiến người tiêu dùng phải trả giá cao so với giá gốc. Đặc biệt, việc liên kết tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân ở nhiều địa phương còn nhiều bất cập. Việc tiêu thụ nông sản mới được đẩy mạnh đối với một số nông sản ở vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, còn lại chủ yếu do người dân tự tiêu thụ thông qua các buổi chợ phiên và được thu gom bởi các tư thương là chính, do vậy với phương thức thu mua này, các hộ kinh doanh thường bị ép giá.

Những hạn chế về nhận thức, trình độ, năng lực thực hiện của cán bộ nhân viên, lực lượng lao động trực tiếp và chủ yếu trong hệ thống bán lẻ tại các cửa hàng, siêu thị, đặc biệt trong hệ thống buôn bán nhỏ tại các chợ truyền thống, sự thiếu hụt về đội ngũ các nhà quản lý, điều hành chuyên nghiệp tại các cơ sở kinh doanh truyền thống và hiện đại đã ảnh hưởng tới các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào hệ thống bán lẻ tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, mặc dù còn những tồn tại, hạn chế trong phát triển thị trường bán lẻ, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, trong 5 – 10 năm tới, kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bán lẻ nói riêng vẫn được đánh giá là rất tiềm năng. Không gian kinh tế, xã hội Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng; Nhiều địa phương trong nước đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội, không gian đô thị hóa mở rộng, nhu cầu mua sắm gia tăng và có mức tập trung cao…, đóng vai trò vùng, khu vực động lực cho phát triển thị trường bán lẻ. Bên cạnh sự phát triển mạnh của thương mại truyền thống, thương mại điện tử và các nền tảng thanh toán trực tuyến được ứng dụng rộng rãi và phát triển mạnh mẽ dần trở thành một kênh phân phối ngày càng quan trọng, góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, thúc đẩy mua sắm trực tuyến. Cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế và sự thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc của ngành bán lẻ trong thời gian tới, doanh thu của các nhà bán lẻ hàng đầu được dự đoán sẽ cao gấp 3 lần so với hiện tại.

Nhìn chung, động lực phát triển thị trường bán lẻ sẽ được định hình bởi hàng loạt các yếu tố có ảnh hưởng đến thay đổi hành vi mua sắm của khách hàng; sự thay đổi trong cách tiếp cận thị trường bán lẻ, thói quen của người tiêu dùng, của các nhà sản xuất, các nhà bán lẻ; sự giao thoa giữa bán lẻ truyền thống và hiện đại,… Xu hướng này càng trở nên phổ biến hơn khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, các doanh nghiệp buộc phải thích ứng linh hoạt khi khách hàng chuyển đổi thói quen từ mua sắm truyền thống sang mua sắm trực tuyến, trong đó thương mại điện tử và các phương thức kinh doanh bán lẻ trên nền tảng số sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Thương mại điện tử dự kiến sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh số bán lẻ toàn cầu và sự tăng trưởng thương mại điện tử đang được thúc đẩy bởi một loạt các xu hướng mới nổi bao gồm cải thiện trải nghiệm mua sắm trên thiết bị di động, gia tăng BOPIS (mua trực tuyến, nhận tại cửa hàng), dễ dàng tiếp cận với nhận hàng lề đường và mở rộng giao hàng nhanh chóng của các nhà bán lẻ và nhà cung cấp bên thứ ba.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi chính sách phát triển kinh tế – xã hội có liên quan chặt chẽ đến chính sách phát triển thị trường bán lẻ. Thị trường bán lẻ Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu phát triển mới với những cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi tạo ra những bước đột phá lớn.

Với những lý do trên, việc xây dựng và thực hiện “Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là thực sự quan trọng và mang tính cấp thiết, góp phần xác định những định hướng lớn đối với thị trường bán lẻ Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp mang tính dài hạn, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Nguồn: https://qltt.vn/