Tại Việt Nam kinh doanh theo chuỗi có mức tăng trưởng từ 20 – 30%/năm. Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng cho nhà đầu tư ngành bán lẻ trong và ngoài nước khi quy mô dân số hơn 90 triệu dân.
Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng cho nhà đầu tư ngành bán lẻ trong và ngoài nước. Ảnh minh họa: TTXVN
Tại hội thảo “Tương lai của bán lẻ Việt Nam” do Tập đoàn Vingroup tổ chức ngày 28/2 tại Tp. Hồ Chí Minh, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giá – Bộ Tài chính cho rằng, ngoài yêu cầu hàng đầu về chất lượng, độ an toàn, người tiêu dùng cũng còn có nhiều nhu cầu khác nên doanh nghiệp bán lẻ cần nắm được cụ thể để có chiến lược phù hợp mà trước hết cần tạo lòng tin cho người tiêu dùng, cung cấp các mặt hàng thật, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo an toàn.
Theo bà Rebecca Pearson, Phó Giám đốc Công ty CBRE châu Á, năm 2018 Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về niềm tin người tiêu dùng khi ngành bán lẻ phát triển mạnh. Nhiều thương hiệu Việt Nam đã vươn ra thế giới; trong đó, đáng chú ý là sự gia tăng bán lẻ hàng điện tử, dịch vụ giao hàng, cung cấp dịch vụ ngày càng uy tín. Việt Nam đang có nhiều tiềm năng phát triển thị trường bán lẻ.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, mở rộng chuỗi là xu thế tất yếu của thị trường bán lẻ. Tại Việt Nam kinh doanh theo chuỗi có mức tăng trưởng từ 20 – 30%/năm. Việt Nam vẫn còn nhiều không gian, mảnh đất tiềm năng cho nhà đầu tư ngành bán lẻ trong và ngoài nước khi quy mô dân số hơn 90 triệu dân.
Người tiêu dùng trẻ, năng động, đặc biệt là tác động mạnh mẽ công nghệ số. Doanh nghiệp kinh doanh ngành bán lẻ chỉ thành công khi có quy mô lớn, quản trị tốt và thương hiệu uy tín.
Cũng theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, để đứng trước làn sóng thâm nhập ngày càng mạnh của nhà đầu tư ngoại, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần phát vượt qua chính mình, phát huy thế mạnh về văn hóa, kinh nghiệm, đồng thời liên kết với nhau và với các hiệp hội ngành hàng.
Đồng thời, doanh nghiệp nghiên cứu người tiêu dùng vốn dĩ đang ngày càng thay đổi từ tâm lý, nhu cầu, thói quan mua sắm để lựa chọn phân khúc, sản phẩm, quy mô phù hợp. Cùng với đó, vấn đề quan trọng nhất là lựa chọn mặt bằng, bên cạnh nguồn nhân lực, tài chính, chiến lược, kỹ năng công nghệ.
Tại hội thảo, ông Geoffrey Morrison, sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Concept I cũng chia sẻ về xu hướng bán lẻ hiện đại; trong đó, nhấn mạnh đến xu hướng tăng đầu tư để đáp ứng các đơn hàng cũng như tăng tương tác kỹ thuật số với khách hàng gắn việc đổi mới, sáng tạo, định hướng thương hiệu trong thiết kế và đem lại tối đa trải nghiệm cho khách hàng, đặc biệt với các khách hàng thường xuyên…/.
BNEWS.VN