Với xu hướng gia tăng tiêu dùng hàng thực phẩm thiết yếu, chăm sóc và vệ sinh cá nhân, các nhà bán lẻ được khuyến cáo phải đảm bảo nguồn hàng luôn sẵn có. |
Ăn tại nhà sẽ là xu hướng mới
Hơn 50% người dân Việt Nam được khảo sát (từ ngày 9-15/3) đã giảm tần suất ghé các cửa hàng hiện hữu, còn 52% trong số người được khảo sát cho biết họ đã gia tăng dự trữ hàng hóa tại nhà.
Đây là kết quả từ cuộc khảo sát mới nhất về người tiêu dùng châu Á trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 do công ty nghiên cứu và đo lường thị trường toàn cầu Nielsen thực hiện và công bố hôm nay 14/4.
Theo khảo sát, có đến 82% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi đã giảm tần suất các hoạt động ăn uống bên ngoài, tăng 57% so với mức đo lường trong tháng 2. Với việc gia tăng dự trữ hàng hóa và ăn uống tại nhà do nhiều người phải ở nhà lâu hơn, người tiêu dùng đang gia tăng việc tiêu thụ các ngành hàng như mì ăn liền, sản phẩm chăm sóc nhà cửa, thực phẩm bổ sung, sản phẩm vệ sinh cá nhân, thực phẩm thiết yếu, rau quả tươi, sữa và các chế phẩm từ sữa và thực phẩm đông lạnh.
Nghiên cứu về thái độ của người tiêu dùng đối với sự bùng phát của dịch Covid-19, sự thay đổi trong lối sống và chi tiêu cho các ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), Nielsen đánh giá, tại 11 thị trường châu Á, đa số người tiêu dùng đều sẽ tái ưu tiên việc ăn tại nhà. Xu hướng này dẫn đầu bởi Trung Quốc đại lục với 86% số người tiêu dùng cho biết sẽ ăn tại nhà thường xuyên hơn trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Việt Nam thuộc top 3 các quốc gia theo xu hướng ăn tại nhà với 62% người tiêu dùng cho rằng họ sẽ chọn ăn tại nhà, chỉ xếp sau Hong Kong (77%).
“Trong một vài thị trường châu Á, doanh số bán các mặt hàng FMCG tăng bình quân ít nhất 20-25% mỗi tuần kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng vào cuối tháng 1. Người tiêu dùng đã quay lại cùng một cửa hàng nhiều lần và hành vi này tại các thị trường trong hơn hai tháng qua đến từ tâm lý lo sợ mua hàng của người tiêu dùng. Rõ ràng, người tiêu dùng đã chuyển từ ‘tiêu dùng mua mang đi’ sang ‘tiêu dùng an toàn tại nhà’ nhiều hơn”, Tổng giám đốc Nielsen Đông Nam Á Vaughan Ryan cho biết.
Lý giải cho điều này, ông Vaughan Ryan cho rằng, sự chuyển hướng từ thói quen ăn uống bên ngoài sang thói quen đặt giao thức ăn đến nhà, mua mang đi hay nấu ăn tại nhà do dịch Covid bị ảnh hưởng cục bộ không chỉ bởi thói quen tiêu dùng truyền thống mà còn do các biện pháp cách ly hoặc đóng cửa hoạt động kinh doanh.
Cơ hội lớn cho nhà bán lẻ, nhà sản xuất
Dịch Covid-19 ảnh hưởng rõ rệt đối với người tiêu dùng, các nhà hàng và doanh nghiệp ăn uống bên ngoài. Để đáp ứng nhu cầu mới nổi do dịch Covid-19, các nhà bán lẻ cần trữ hàng và đảm bảo sẵn có tại các cửa hàng.
“Với xu hướng gia tăng tiêu dùng trong các nhóm thực phẩm thiết yếu, chăm sóc và vệ sinh cá nhân, điều quan trọng là các nhà bán lẻ phải đảm bảo những sản phẩm này luôn sẵn hàng. Những thách thức trong việc đưa sản phẩm ra thị trường như hết hàng sẽ đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ chọn sản phẩm thay thế hoặc đơn giản là không mua gì. Đây sẽ là tổn thất đối với cả nhà bán lẻ và nhà sản xuất, đồng thời gây thất vọng cho người mua”, Tổng Giám Đốc Nielsen Việt Nam Louise Hawley cho biết.
Xu hướng tiêu dùng trên tại Việt Nam mở ra cơ hội rất lớn cho những nhà bán lẻ và nhà sản xuất. Sự chuyển biến về thói quen ăn uống tại nhà sẽ kéo dài cho đến hậu dịch Covid-19. Ngay cả sau khi dịch bệnh đi qua, lối sống ăn uống khỏe mạnh sẽ trở nên quan trọng với người tiêu dùng hơn so với trước đây, với sự kỳ vọng về một bữa tối tại nhà được tái thiết lập.
“Xu hướng trên cũng tạo ra cơ hội đầy tiềm năng cho nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhà hàng và các công ty giao thực phẩm để tập trung vào các dịch vụ sức khỏe, đảm bảo rằng các sản phẩm đáp ứng được sự hài lòng của người mua về yếu tố sức khỏe và sự thuận tiện”, bà Louise Hawley nhận định.
Còn với các nhà bán lẻ, họ cần khai thác sâu các kênh trực tuyến, tính toán lại việc giao hàng, phát triển hơn các dịch vụ O2O (offline-to-online) và thúc đẩy tích hợp đa kênh sẽ là cách mà người tiêu dùng mua sắm trong tương lai, bà Louise khuyến cáo.
Trong vài năm gần đây, kênh cửa hàng tiện lợi ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất, nhưng thách thức đối với nhà bán lẻ tiện lợi hiện nay là khách hàng đang trong xu hướng ở nhà nhiều hơn, nhiều cửa hàng tiện lợi không thể cung cấp đầy đủ các sản phẩm mà khách hàng tìm kiếm để dự trữ hoặc nấu ăn tại nhà. Tuy nhiên, điều này cũng tạo cơ hội lớn cho những cửa hàng tiện lợi mà mở rộng danh mục sản phẩm liên quan đến thực phẩm thiết yếu, thay vì chỉ dừng lại ở sản phẩm ‘ăn uống tại nhà hàng’ hoặc ‘mua mang đi’ như trước.