Thanh toán điện tử Việt Nam có thể rất phát triển nhưng chưa phát triển trong nước. Theo đó, gần 700 triệu USD doanh thu của thị trường này đang chảy vào túi các “ông lớn” ngoại.

 

Thương mại điện tử mới chỉ tiếp cận được 17% dân số Việt Nam.

 

Khối ngoại chi phối thương mại điện tử

 

Năm 2016, doanh thu thương mại điện tử đạt 900 triệu USD, tăng 50% so với năm 2015, ước tính đến 2020 đạt 5 tỷ USD, tăng 54%/năm. Đặc biệt theo đánh giá ước tính thương mại điện tử mới chỉ tiếp cận được 17% dân số Việt Nam, dư địa của thị trường này còn tới hơn 80%.

 

Ước tính đến năm 2020 có 60 triệu người dùng smartphone chiếm 60% dân số, tăng gấp 30 lần so với năm 2010. Xuất hiện xu thế “số hóa” ở mọi lĩnh vực từ thương mại, thanh toán cho đến vận chuyển, giáo dục, sức khỏe… cho thấy tiềm năng để phát triển lớn.

 

Riêng về bán lẻ trực tuyến Việt Nam, Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu eMarketer cho rằng bán lẻ trực tuyến không bao gồm doanh thu dịch vụ du lịch được tính trong ước tính của thương mại điện tử giao dịch thương mại trên internet giữa DN và khách hàng (B2C) và doanh thu bán lẻ trực tuyến của Việt Nam tại thời điểm khảo sát tháng 8/2016 đã đạt khoảng 1,71 tỷ USD, như vậy tính trung bình cho đến hết tháng 12/2016 có thể sẽ đạt 2,565 tỷ USD.

 

Dẫn tới, ngày càng nhiều DN gia nhập bán lẻ trực tuyến tìm cách gia nhập vào thị trường như Google đã trở thành thành viên của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và không giấu giếm kỳ vọng thu được 30 triệu USD mỗi năm từ thị trường này. Alibaba và eBay cũng đã nhanh chân tìm được đại diện chính thức, trong khi Amazon và Rakuten đang tiến tới việc thiết lập quan hệ đối tác hoặc mua cổ phần tại các hãng thương mại điện tử Việt Nam.

 

Kết quả, trước sức ép cạnh tranh ngày một lớn, nhiều sàn thương mại điện tử Việt đã chấp nhận “bán mình”. Ra mắt vào năm 2012, Chợ Tốt là trang rao vặt trực tuyến miễn phí ở Việt Nam với hơn 10 triệu người dùng mỗi tháng. Tuy nhiên, từ tháng 6 này, tập đoàn rao vặt trực tuyến 701Search bao gồm Chợ Tốt (Việt Nam), ImSold (ở Việt Nam và Malaysia), Mudah (Malaysia) và OneKyat (Myanmar) sẽ thuộc toàn quyền sở hữu của Tập đoàn viễn thông Telenor (Na Uy).

 

Trước đó, năm 2016 đã chứng kiến nhiều thương vụ thâu tóm trên thị trường bán lẻ trực tuyến. Alibaba đã công bố thoả thuận chi khoảng 1 tỷ USD để mua cổ phần trong Lazada của Rocket Internet nhằm tấn công vào thị trường Đông Nam Á, trong đó có Lazada Việt Nam.

 

Tương tự Lazada, trang mua sắm thời trang Zalora cũng được nhượng lại cho một đại gia Thái Lan vào năm 2016 là Central Group. Sau khi bị Central Group mua lại, Zalora mất thương hiệu, thay vào đó là Robines – tên thương hiệu bán lẻ của Central Group tại Thái Lan.

 

Ngoài ra, trước đó hàng loạt trang TMĐT cũng đột ngột đóng cửa như Deca.cn, Beyeu.com, Lamdieu.com, Foreva.vn…

 

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam lo ngại, thương mại điện tử tại Việt Nam đang có cơ hội phát triển rất mạnh mẽ, những dự án của DN, cá nhân đang thu hút nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm và thu hút được nhiều tổ chức tài chính, cá nhân có tiềm lực tham gia.

 

“Song việc bị bán theo kiểu “lúa non” như một số dự án, trang thương mại điện tử hiện nay khiến nguy cơ những dự án khởi nghiệp chỉ thành công bước đầu, chết yểu bởi sự cạnh tranh của đối thủ”, ông Hưng nói.

 

Báo cáo về tình hình thương mại trong nước năm 2016 của Bộ Công Thương cũng cho thấy, các DN FDI đang nắm giữ khoảng 50% thị phần qua các hình thức bán hàng trực tuyến.

 

Cùng cảnh ngộ

 

Chính vì vậy, ngay đối với thanh toán điện tử (thương mại điện tử) dường như thế cờ cũng đang nghiêng về khối ngoại. Ở góc độ DN, ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty Moca đánh giá, thanh toán điện tử có vai trò tích cực cho kinh tế số nói chung, năm 2016, doanh thu thương mại điện tử đạt 900 triệu USD. Đây là con số khá sát thực cho thấy doanh thu chỉ bằng 0,5% chi tiêu của người dân (160 tỷ USD).

 

“Vậy làm thế nào để phát triển”, ông Nam đặt câu hỏi và cho rằng ước tính trong năm 2016, người Việt Nam thanh toán bằng thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng khoảng 750 triệu USD. Tuy nhiên, trong 750 triệu USD doanh thu trên, DN Việt chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 50 USD, còn lại 700 USD là các DN nước ngoài nắm giữ.

 

“Thanh toán điện tử Việt Nam có thể rất phát triển nhưng chưa phát triển trong nước, 700 triệu USD doanh thu đều dành cho Uber, Grab, Facebook, Google…”, ông Nam nói.

 

Do vậy, theo ông Nam, để khích lệ nền kinh tế số trong đó có bao gồm thanh toán số, thanh toán điện tử cần sự chú trọng hỗ trợ thêm nữa. Ví dụ, DN muốn dùng tiền mặt chứ không chấp nhận trả khoản phí 1-2% để thanh toán bằng điện tử, trong khi đó Uber trong một thời gian nhất định họ tự nhận trả phí 3%, rồi bắt buộc người tiêu dùng thanh toán bằng thẻ.

 

“Chúng ta cần có chính sách rất cụ thể khuyến khích phát triển khích lệ thanh toán điện tử phát triển, tránh chuyện 750 triệu USD thanh toán bằng thẻ online thì 700 triệu USD chảy ra nước ngoài, chỉ còn 50 triệu USD là của trong nước”, ông Nam lo ngại.

 

Vì vậy, miễn giảm thuế cho DN chấp nhận thanh toán điện tử đó là chính sách hoàn toàn có thể khai thác và thiết thực. Khi đó quản trị minh bạch thông tin tài chính, quản trị thu thuế DN cũng tốt hơn, bởi trên thực tế nhiều DN tránh thanh toán điện tử vì sợ thuế. Đồng thời, trong phạm vi hoạt động khuyến khích kinh tế số nên chú trọng nhiều hơn phát triển thanh toán điện tử.

 

Hà Sơn (Theo Thời báo Ngân hàng)