Quang cảnh một góc Vietnam Foodexpo.

 

Gian nan lên kệ hàng

 

Ông Đặng Hoàng Hải – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương cho biết, ngay từ đầu những năm 2000, thị trường phân phối tại Việt Nam bắt đầu được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, mà mở đầu là các DN châu Âu như Đức với Metro, hay Pháp với tập đoàn Bourbon. Cũng từ đó, các DN xuất khẩu Việt Nam bắt đầu tiếp cận trực tiếp để bán hàng vào các hệ thống phân phối của nước ngoài tại Việt Nam.

 

Tuy nhiên, sản phẩm Việt Nam có mặt tại các hệ thống phân phối trên toàn thế giới hiện vẫn phải qua rất nhiều khâu trung gian, thậm chí còn bị gắn nhãn mác khác. Một nguồn tin cho biết, 1/3 sản phẩm café Capuccino tại thị trường châu Âu là sản phẩm của các DN Việt Nam. Đây là bất cập lớn khi chúng ta làm được sản phẩm chất lượng cao nhưng không thể tiếp cận được các kênh phân phối của nước ngoài. Điều này cho thấy khả năng nắm bắt tiếp cận thị trường của các DN Việt còn rất hạn chế.

 

Chính vì những bất cập này nên  Bộ Công Thương đã nỗ lực phát triển kênh xuất khẩu mới cho hàng Việt Nam, giúp rút ngắn các khâu trung gian, đưa hàng Việt Nam trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại các nước. Đó là xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài.

 

Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các nhà phân phối châu Âu như Casino của Pháp, Metro Cash & Carry của Đức hàng năm, đã tổ chức các Tuần hàng Việt Nam tại các chuỗi siêu thị của châu Âu nhằm mục đích thông tin đến người tiêu dùng các mặt hàng phong phú, chất lượng cao của Việt Nam với mức giá hợp lý nhờ cắt giảm các khâu trung gian.

 

Các DN Việt Nam đánh giá cao và rất tích cực ủng hộ cách làm này, coi đó như là hướng đi để thúc đẩy phát triển xuất khẩu bền vững, mang lại hiệu quả và giá trị gia tăng cao.

 

Tuy nhiên, việc tiếp cận các hệ thống phân phối nước ngoài có trình độ tổ chức tiên tiến, hiện đại đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ. Trong khi đó, với nguồn lực hạn chế, các DN Việt luôn gặp khó.

 

Phải đảm bảo chất lượng

 

Theo ông Nishitoghe Yasuo – Tổng giám đốc AEON Việt Nam, hiện tại AEON hợp tác cùng  1.675 nhà cung cấp hàng hóa của Việt Nam, phục vụ hệ thống siêu thị AEON tại đây. Xét về tỷ trọng doanh số theo từng mặt hàng tại siêu thị, thì hàng hóa địa phương Việt Nam đạt 81%, hàng ngoại nhập đạt 5%.

 

Ông Nishitoghe Yasuo khẳng định “Chất lượng các mặt hàng của các nhà cung cấp  Việt Nam đang được cải thiện qua từng năm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng nên doanh số tăng hàng năm. Các sản phẩm cao cấp của Việt Nam rất được khách hàng Nhật Bản ưa chuộng.

 

Cá tra của Việt Nam được bày bán ở Nhật Bản và trong năm 2016, xuất khẩu qua Nhật đạt 1.500 tấn, đem về doanh thu gần 9 triệu USD Mỹ. Ngoài ra, xoài Việt Nam bây giờ đã được bày bán rộng rãi tại các cửa hàng của hệ thống AEON tại Nhật Bản. Trong năm 2016, hệ thống đã nhập 200 triệu USD hàng hóa của Việt Nam để xuất đi các thị trường, trong đó chỉ tính riêng cá tra đạt 1.500 tấn với trị giá 9 triệu USD”.

 

Là nhà phân phối trực tiếp nhiều sản phẩm hàng Việt Nam qua hệ thống bán lẻ của mình, ông Albin Bertrand – Giám đốc thu mua thực phẩm Auchan Retail Việt Nam cho rằng, các khách hàng hiện rất quan tâm về giá và chất lượng sản phẩm. Để có thể đi thẳng vào 4.000 cửa hàng của Auchan trên thế giới, các nhà cung cấp Việt Nam cần tập trung vào chất lượng và xây dựng niềm tin của người tiêu dùng.

 

Auchan đang lập trung tâm thu mua hàng hóa tại Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ DN Việt Nam kết nối với thị trường thế giới, và Auchan xem đây là chiến lược của mình. “DN Việt Nam cần phải khẳng định được chất lượng sản phẩm, như thế sẽ chinh phục được thị trường thế giới” ông Albin Bertrand cho biết.

 

Đồng tình với các ý kiến trên, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN cho rằng, để hàng hóa tham gia nhiều hơn vào các kênh phân phối nước ngoài, DN Việt cần phải đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, bền vững. Hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn hàng hóa ở các thị trường nước ngoài đang có sự thay đổi rõ rệt, nhưng nhiều DN chưa nắm được.

 

“DN phải tự tuân thủ các tiêu chuẩn trong quá trình làm ra sản phẩm. Hiện nay, quy định của châu Âu và Mỹ là kiểm tra tất cả các khâu sản xuất, chứ không chỉ là chất lượng sản phẩm cuối cùng”, bà Hạnh nhấn mạnh.

 

Ngọc Hậu (Theo Thời báo Ngân hàng)