Người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu.

Thói quen và hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi, đặc biệt trong năm kinh tế có nhiều biến động 2023.
 Bài toán tiêu dùng thay đổi trong năm 2023

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một thị trường có sức hấp dẫn lớn và nhiều tiềm năng phát triển. Song, năm 2023 ngành bán lẻ Việt Nam cũng gặp khó khăn thách thức. Các chuyên gia kinh tế dự đoán, tình hình tài chính kinh tế những tháng cuối năm và cho dịp Tết 2024 có vẻ lạc quan hơn, thế nhưng dấu hiệu của việc nới lỏng chi tiêu vẫn chưa thật sự rõ rệt.

Theo báo cáo mới đây của Kantar Việt Nam, người tiêu dùng có thể sẽ không cắt chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu và quà tặng dịp Tết, tuy nhiên, họ sẽ có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm ở phân khúc thấp hơn hoặc nhiều khuyến mãi hơn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẽ ưu tiên những kênh mua sắm mang lại nhiều giá trị hơn, tiện lợi hơn, thay vì chỉ tập trung vào một lựa chọn nhất định.

Chị Phương Hiền (43 tuổi, quận Gò Vấp) cho biết, năm nay kinh tế có nhiều biến động. Để cân đối chi tiêu cho gia đình 4 người, chị phải tiêu dùng chọn lọc, chỉ tập trung vào lương thực, thực phẩm, cho gia đình và sữa cho các con.

Người tiêu dùng sẽ ưu tiên những kênh mua sắm mang lại nhiều giá trị hơn, tiện lợi hơn
Người tiêu dùng sẽ ưu tiên những kênh mua sắm mang lại nhiều giá trị hơn, tiện lợi hơn.

“Bứt tốc” cho mùa mua sắm cuối năm

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 cả nước ước đạt 536.300 tỉ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, dự kiến từ nay đến cuối năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có thể tăng trở lại khi kinh tế trong nước đang dần hồi phục, nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng như chương trình khuyến mại tập trung quốc gia, tháng khuyến mại tại nhiều địa phương, hội chợ hàng hóa Tết… Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ và các doanh nghiệp phân phối đang nỗ lực đảm bảo nguồn cung ổn định, không để xảy ra gián đoạn trong cung cấp hàng hóa cũng như đột biến về giá cả cho người tiêu dùng, đồng thời lên kế hoạch triển khai các giải pháp, chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm.

Ông Bùi Trung Chính, Giám đốc Thu mua ngành hàng Thực phẩm khu vực phía Nam của AEON Việt Nam cho biết, dự kiến sức mua sẽ tăng từ 5-10% trong giai đoạn cuối năm 2023. Do đó, doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn cung lớn các loại hàng hóa, tăng khoảng 10% so với năm trước, đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả ổn định kèm nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn.

Tại các Trung tâm Bách hóa Tổng hợp & Siêu thị AEON, các siêu thị AEON MaxValu, bên cạnh các chương trình thường lệ như: Ngày lễ thành viên 5-20 hàng tháng, chương trình Nhân đôi điểm tích lũy vào ngày 15 hàng tháng dành cho đa số các mặt hàng, ưu đãi “Thứ tư vui vẻ”… AEON Việt Nam còn phối hợp với các nhà cung cấp lên kế hoạch hàng hóa, chủ trương mang “Giá rẻ mỗi ngày” đến cho khách hàng Việt thuận tiện mua sắm, đồng thời phần nào hỗ trợ đối tác gia tăng sản lượng sản phẩm được tiêu thụ.

AEON Việt Nam tung hàng loạt các chương trình lễ hội đặc sắc với mức ưu đãi giảm mạnh đến 70% cùng nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn như đồng giá, mua 3 tặng 1, mua 1 tặng 1
AEON Việt Nam tung hàng loạt chương trình lễ hội đặc sắc với mức ưu đãi giảm mạnh đến 70% cùng nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn như đồng giá, mua 3 tặng 1, mua 1 tặng 1.

“Chúng tôi không chỉ cung cấp đa dạng về chủng loại, mẫu mã mà còn có mức giá cạnh tranh của các sản phẩm ở tất cả các ngành hàng từ thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, điện máy gia dụng… để khách hàng có thêm nhiều lựa chọn khi mua sắm”, ông Bùi Trung Chính cho biết thêm.

Nguồn: https://nhipcaudautu.vn/