Tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được tổ chức sáng 13/4, đại diện nhiều hiệp hội DN cho rằng dự thảo Luật chưa sát thực tế, thiếu tính khả thi.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV có thể không khả thi khi đi vào cuộc sống. Ảnh: H.A.

Sau một thời gian lấy ý kiến, chỉnh sửa, đến nay dự thảo Luật có 4 chương, 38 điều. Nội dung hỗ trợ DN theo dự thảo luật bao gồm nhiều hỗ trợ chung, bao gồm: hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thuế, mặt bằng sản xuất, ươm tạo và nâng cao năng lực công nghệ, mở rộng thị trường, hỗ trợ thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, DN tham gia chuỗi liên kết ngành và chuỗi giá trị, Quỹ phát triển DNNVV.

Góp ý cho điều 29 của dự thảo luật, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa cho rằng, DNNVV hoạt động tại các địa phương và nằm trong nhiều hiệp hội ngành hàng khác nhau. Nếu theo dự thảo luật, trách nhiệm của Hiệp hội DNNVV Việt Nam rất lớn, những hỗ trợ của Nhà nước cho DNNVV gần như đều phải thông qua Hiệp hội DNNVV Việt Nam, trong khi đó có nhiều DNNVV chỉ tham gia vào hiệp hội ngành hàng, hiệp hội DN tại các địa phương.

Ông Đệ băn khoăn, như vậy, những DN không tham gia hiệp hội DNNVV thì có được hưởng hỗ trợ không? Bên cạnh đó, quy định quá chi tiết vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội DNNVV Việt Nam trong dự thảo luật vô hình trung yêu cầu các DNNVV phải vào Hiệp hội này mới được hỗ trợ, điều này mất tính thị trường, tính cạnh tranh và tính đổi mới trong quan hệ lao động và dẫn đến thiếu tính khả thi.

Theo ông Đệ, luật chỉ nên quy định chung, không nên đi vào chi tiết cho từng nhiệm vụ của Hiệp hội. Hơn nữa, hiện nay chúng tôi nhận thấy các tỉnh đang sát nhập thành hiệp hội DN các tỉnh, nhiều địa phương bỏ Hiệp hội DNNVV, vì trong quá trình hoạt động, việc có quá nhiều hiệp hội DN sinh ra nhiều mâu thuẫn trong hoạt động hội địa phương. Do đó, đại diểu này đề nghị ban soạn thảo xem và cân nhắc nội dung điều luật này, vì nếu luật được phê duyệt, khi thực hiện sẽ không hấp thụ được ở các địa phương.

Lấy dẫn chứng việc luật 8 chữ của Park Chung Hee (Hàn Quốc) cuối thập niên 1960 thế kỷ XX, ông Phan Đăng Tuất, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã thẳng thắn phê bình nội dung dự thảo. Ông cho biết, chỉ với 8 chữ “Cấm DN lớn làm chi tiết nhỏ” cùng với danh sách 350 chi tiết nhỏ mà các tập đoàn lớn không được phép làm, chỉ 3 năm sau, hàng vạn DN nhỏ của Hàn Quốc đã ra đời và đảm nhận những khâu chế tạo các linh kiện nhỏ ở tầm công nghệ cao.

Vì thế, ông Phan Đăng Tuất thấy buồn khi dự thảo Luật này không khác gì một bài văn mẫu, dù hoành tráng nhưng bất khả dụng, nếu Luật này được thông qua thì cũng khó vào được đời sống, ông Tuất cho biết.

Cụ thể, ông Tuất phân tích, dự thảo luật có tới 7 “món” hỗ trợ cho DNNVV như tín dụng, thuế, đất đai… như vậy là quá nhiều và chiếu theo luật thì dự thảo luật này không thể “đè” lên được các luật đã có từ trước như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai… dẫn tới bất khả dụng.

Dưới góc độ khác, ông Phan Đăng Tuất cũng cho rằng, tên luật gắn với chữ hỗ trợ là… xúc phạm các DN chân chính. “Các DN không cần hỗ trợ mà cần được bảo vệ để làm ăn đàng hoàng, chính trực. Họ cần được kinh doanh sòng phẳng, có trách nhiệm với đất nước. Hiện nay, các DNNVV Việt Nam rất đáng thương, hàng rào FTA không được bảo hộ, hàng hóa bị cạnh tranh, bị thương lái Trung Quốc dùng đủ mọi cách để ép giá, bị cạnh tranh bất chính. Các DNNVV mong muốn làm ăn đàng hoàng và họ cần được bảo vệ hơn là hỗ trợ”, ông Tuất nói. Chính vì thế, ông Phan Đăng Tuất kiến nghị, nếu có sửa luật thì nên sửa thành Luật Bảo vệ DNNVV.

 

Hoài Anh (Theo Báo Hải Quan)