Thương mại điện tử tại Đông Nam Á sẽ tăng gấp sáu lần, lên mức 200 tỉ đô la trong thập niên tới, theo cuộc nghiên cứu của Google và Temasek Holdings.

Phần mềm ứng dụng Prime Now đã có mặt tại Play Store của Google và App Store của Apple vào ngày 26-7 và là một phần trong dịch vụ thành viên đặc biệt Prime của Amazon. Với dịch vụ này, người tiêu dùng Singapore đặt hàng trực tuyến và nhận hàng ngay trong ngày, thậm chí trong vòng vài giờ đồng hồ, tùy mức phí và tùy loại hàng.

 

Thị trường tiềm năng trong mắt nhà đầu tư

 

Trong cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Amazon, ông Henry Low, cho biết Prime Now vẫn chưa phải là dịch vụ giao hàng nhanh nhất của Amazon. Hiện tại, dịch vụ này chỉ dành cho các thành viên có thẻ Prime, nhưng Amazon sẽ nhanh chóng phổ biến đến mọi người tiêu dùng ở Singapore và tặng khách hàng các cơ hội trải nghiệm miễn phí.

 

Từ cuối năm ngoái, ban lãnh đạo của Amazon đã tuyên bố về việc tập đoàn này sẽ bước chân vào thị trường Đông Nam Á như một điều tất yếu. Các nhà phân tích cho rằng sự thịnh vượng cũng như lối sống theo phong cách phương Tây của Singapore, cùng với cơ sở hạ tầng tốt, đã khiến quốc gia này trở thành một ứng cử viên lý tưởng trong quá trình mở rộng thị trường của người khổng lồ thương mại điện tử. Nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Trên thực tế, dấu hiệu của một cuộc chiến lớn đang âm ỉ bởi cuộc đối đầu giữa hai người khổng lồ Alibaba và Amazon tại khu vực có tổng số dân 600 triệu người này là điều khó tránh khỏi.

 

Cuộc nghiên cứu mới đây của Google và công ty đầu tư nổi tiếng của Singapore Temasek Holdings cho thấy nền kinh tế trên nền tảng Internet của khu vực này sẽ tăng trưởng lên tới 200 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025, chủ yếu nhờ vào thương mại điện tử. Động lực lớn giúp thúc đẩy thương mại điện tử tại đây là việc số lượng người sử dụng Internet tăng mạnh từ 260 triệu người hiện tại lên 480 triệu người vào năm 2020.
Với vị trí địa lý gần kề Trung Quốc, quốc gia ở vị thế dẫn đầu trong thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á đang bị biến thành “sân sau” của Alibaba và trở thành thị trường chiến lược của Amazon để cản bước được Alibaba.

 

Tuy nhiên, hiện tại, người đại diện của Amazon từ chối bình luận hay cung cấp thêm thông tin về chiến lược của tập đoàn này ở Đông Nam Á và cho biết, Amazon không có suy nghĩ của một đối thủ đi cạnh tranh thị phần, mà chỉ tập trung vào lợi ích và sự thuận tiện cho khách hàng.

 

Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Đông Nam Á những năm gần đây đã khiến nơi đây trở thành vùng đất đầy tiềm năng tại châu Á, thu hút hàng tỉ đô la vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ (startup). Thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á cũng nằm trong xu thế này, đang có sức hút lớn đối với các hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ và Trung Quốc.

 

Mới đây nhất là khoản đầu tư trị giá 350 triệu đô la của tập đoàn du lịch trực tuyến hàng đầu của Mỹ Expedia vào công ty khởi nghiệp về đặt phòng trực tuyến Đông Nam Á Traveloka. Theo thông tin trên Tech Crunch, trước đó, Traveloka cũng nhận được 150 triệu đô la từ các nhà đầu tư như East Ventures, Hillhouse Capital Group, Sequoia Capital và công ty thương mại điện tử JD của Trung Quốc.

 

Đi trước Amazon một bước tại thị trường Đông Nam Á, từ cuối năm 2016, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đã rót 1 tỉ đô la để thâu tóm cổ phần kiểm soát hãng thương mại điện tử Lazada của Singapore. Tháng 6 vừa rồi, người khổng lồ Trung Quốc lại rót thêm 1 tỉ đô la nữa để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần ở Lazada lên 83%. Và trong tháng 7 vừa qua, tập đoàn của tỉ phú Jack Ma cũng dẫn đầu một vòng gọi vốn 500 triệu đô la vào trang thương mại điện tử hàng đầu Indonesia, Tokopedia.

 

Khoản đầu tư vào Tokopedia sẽ giúp mở rộng thị phần của Alibaba tại thị trường Indonesia, đồng thời biến Tokopedia và Lazada thành một chuỗi liên minh thương mại điện tử, đáp ứng gần như mọi nhu cầu của người mua sắm trực tuyến với nguồn hàng hóa đa dạng, được cung cấp từ các thương hiệu nổi tiếng cho tới tiểu thương, trong khu vực kinh tế có 11 quốc gia thành viên này.

 

Cơ hội đi cùng sự thách thức

 

Những ngành dịch vụ có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, ví dụ như giao nhận và vận chuyển, ở Đông Nam Á cũng đang hết sức sôi động với nhiều thương vụ đầu tư hàng tỉ đô la. Đơn cử là việc công ty khởi nghiệp gọi xe Go-Jek của Indonesia huy động được 1,2 tỉ đô la trong một vòng gọi vốn dẫn đầu là hãng công nghệ Trung Quốc Tencent. Ngoài ra, công ty khởi nghiệp gọi xe của Singapore, Grab, cũng nhận được 2,5 tỉ đô la trong một vòng gọi vốn mới đây, dẫn đầu là Didi Chuxing, một công ty cũng về nền tảng chia sẻ phương tiện vận chuyển của Trung Quốc, và tập đoàn viễn thông Nhật Bản SoftBank.

 

Bên cạnh đó, cuộc nghiên cứu của Google và Temasek Holdings cũng cho biết doanh thu của ngành du lịch trực tuyến Đông Nam Á sẽ lên đến gần 70 tỉ đô la vào năm 2025, nhờ vào 2/3 cư dân châu Á ở độ tuổi dưới 40 và mức chi tiêu cho du lịch ngày càng tăng cao. Còn thị trường dịch vụ chia sẻ phương tiện  vận chuyển Đông Nam Á sẽ đạt giá trị 13,1 tỉ đô la vào năm 2025, tăng gần bảy lần so với con số 2,5 tỉ đô la của năm 2015.

 

Giám đốc điều hành của Lazada, ông Maximilian Bittner, cho biết lần rót vốn thứ hai của Alibaba vào công ty này hồi tháng 6 vừa qua đã giúp Lazada được định giá ở mức 3,15 tỉ đô la. Sau khi thương vụ hoàn tất, các nhà đầu tư còn lại trong Lazada, ngoài Alibaba, chỉ còn vài người, trong đó có quỹ đầu tư quốc gia Temasek Holdings của Singapore.

 

Lazada được ông Bittner sáng lập vào năm 2012. Hiện nay, công ty này đang giữ vai trò trụ cột trong việc thúc đẩy chiến lược mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài của Alibaba, phục vụ cho tham vọng của tỉ phú kiêm nhà đồng sáng lập Jack Ma là đưa tập đoàn này trở thành một doanh nghiệp toàn cầu thực sự.
Thị trường sân nhà Đông Nam Á của Lazada được dự báo sẽ trở thành “chiến địa” tiếp theo giữa Alibaba với đối thủ đồng hương JD.com và đối thủ Mỹ Amazon.com.

 

Dù còn thiếu hệ thống vận tải và thanh toán giữ vai trò sống còn đối với sự phát triển của thương mại điện tử, Đông Nam Á đã trở thành khu vực nơi mạng Internet phát triển nhanh nhất thế giới và vô cùng hấp dẫn cho thương mại điện tử khi hàng triệu người sử dụng Internet thế hệ đầu tiên (thế hệ 7x) đã quen thuộc với việc mua sắm qua mạng.

 

Amazon chưa công bố dự định của mình cho thị trường Đông Nam Á, nhưng giới phân tích cho rằng cuộc tìm kiếm sự tăng trưởng không ngừng sẽ là động lực để Amazon hoạt động tích cực ở nơi đây. Hiện nay, Alibaba đã thiết lập vị trí số 1 ở Trung Quốc còn Amazon thì đang dẫn đầu ở Mỹ, nên cả hai đều hướng tầm nhìn ra thị trường nước ngoài. Về phần mình, JD.com – doanh nghiệp có xu hướng xây dựng một hệ thống phân phối tương tự như của Amazon – cũng được cho là đang đàm phán để rót hàng trăm triệu đô la vào thị trường điện tử trực tuyến Indonesia.

 

Trong số các hãng thương mại điện tử nói trên, Alibaba là tập đoàn hăng hái nhất trong việc khai phá thị trường Đông Nam Á. Tập đoàn này đã tích cực hiện diện trong khu vực với sự lường trước rằng các đối thủ của mình cũng sẽ đến. Ông Jack Ma đã tới Kuala Lumpur vào tháng 3 vừa qua để tuyên bố Malaysia trở thành trung tâm hậu cần đầu tiên của Alibaba ngoài Trung Quốc. Tại Malaysia, Alibaba sẽ xây dựng một nhà kho trung tâm và một trung tâm phân phối cho toàn khu vực.

 

Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, được xem là thị trường thương mại điện tử hứa hẹn nhất ở Đông Nam Á. Nước này được so sánh với Trung Quốc cách đây một thập niên, với cơ sở hạ tầng bán lẻ còn chưa hoàn thiện, số lượng người sử dụng thiết bị di động tăng chóng mặt, và tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng có nhu cầu lớn về giải trí và hàng hóa có chất lượng.

 

Theo một bản báo cáo của hãng nghiên cứu Macquarie Research, thị trường thương mại điện tử Indonesia được dự báo sẽ tăng lên 65 tỉ đô la vào năm 2020 từ mức 8 tỉ đô la hiện tại.

 

Bình Nguyên (Theo TBKTSG/Reuters/CNBC)