Việc ký kết các hiệp định tự do thương mại (FTA), nhìn chung, giúp Việt Nam đỡ bị thiệt hại hơn là có lợi. Do vậy, cần có cái nhìn chừng mực về vấn đề này.

 

 

Ông Trần Toàn Thắng trình bày tại hội thảo. Ảnh: ĐT

Ý kiến trên được ông Trần Toàn Thắng, Phó ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đưa ra trong hội thảo “Từ kinh tế Mỹ đến Đông Nam Á, tiến – lùi cho hội nhập Việt Nam” diễn ra chiều nay, 27-2.

 

Trong phần trình bày của mình, ông Thắng dẫn số liệu cho thấy trong khi Việt Nam đã ký 15 FTA thì các quốc gia trong khu vực cũng ký kết số lượng FTA tương tự, thậm chí nhiều hơn. Cụ thể, con số FTA mà Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia lần lượt ký là 32, 21, 21 và 17.

 

Đối với hiệp định tự do thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), theo ông Thắng, cũng không mang lại những thuận lợi quá lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Sở dĩ như vậy là do đặc tính của các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất sang châu Âu. Đa phần các mặt hàng này là những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Và với các sản phẩm như vậy, khi hàng rào thuế quan giảm theo lộ trình, mức giá sản phẩm tuy có giảm nhưng không tác động lớn đến nhu cầu. Đây là điểm khác biệt giữa mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và mặt hàng xa xỉ. Do vậy, dù EVFTA có hiệu lực (dự kiến từ năm 2018), tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam và EU chưa hẳn tăng vọt, ông Thắng nhận xét.

 

Để hàng Việt Nam vào được EU, điều kiện tiên quyết là sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật mà thị trường này đặt ra. Thế nhưng, theo một khảo sát gần đây do CIEM thực hiện khi nghiên cứu về EVFTA cho thấy có đến 80% doanh nghiệp được khảo sát chia sẻ họ không kỳ vọng nhiều vào sự đổi mới thể chế.

 

Điều này, như ông Thắng phân tích, cho thấy doanh nghiệp chỉ nhìn ngắn hạn, không đầu tư dài hạn và như thế chuyện nâng cao năng lực cạnh tranh lại càng thêm khó khăn.

 

Thêm một yếu tố khác, trong tình huống như vậy, chính sách khoa học công nghệ của Nhà nước có thể phản tác dụng, bởi Nhà nước đầu tư, hỗ trợ về công nghệ nhưng doanh nghiệp không sẵn sàng thì có thể xảy ra những tiêu cực.

 

Cũng liên quan đến EVFTA, khi hiệp định này có hiệu lực, một số ngành kinh doanh tại Việt Nam sẽ tăng trưởng âm. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có một lực lượng lao động bị thất nghiệp. Thế nhưng, theo ông Thắng, yếu tố này chưa được quan tâm để có kế hoạch chuẩn bị.

 

Đức Tâm (Theo TBKTSG)