Trong một buổi tọa đàm gần đây của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, Ông Bobby Liu – Sáng lập viên của Asia Startups Corporation đã đưa ra nhận xét “Hiện nay Việt Nam đang tụt hậu 3-5 năm so với các nước Đông Nam Á và hơn 7 năm so với các nước Châu Âu”. Có thể các con số chỉ mang tính chất tương đối, nhưng có một sự thật là khởi nghiệp tại Việt Nam đang còn thiếu những yếu tố nhất định để có thể phát triển một cách mạnh mẽ hơn.

Ông Bobby Liu – Sáng lập viên của Asia Startups Corporation

Những tồn tại của khởi nghiệp Việt

Có rất nhiều vấn đề mà khởi nghiệp Việt đang mắc phải. Ngoài vấn đề về kỹ thuật, chuyên môn thì sự hiểu biết về thị trường, kỹ năng quản lý, điều hành, gọi vốn là những điều khởi nghiệp Việt làm chưa thực sự tốt.

Theo ông Đỗ Tuấn Anh – CEO của Appota, “Khởi nghiệp muốn thành công trước hết phải có đủ quyết tâm để tìm ra giải pháp tối ưu giải quyết một nỗi đau nào đó của mình hoặc của một cộng đồng” . Rõ ràng, quyết tâm là điều không thể thiếu nếu muốn thành công, và chỉ có quyết tâm mới đem lại cho khởi nghiệp động lực lớn lao vượt qua những khó khăn trên con đường phát triển.

Ông Đỗ Tuấn Anh – CEO của Appota

Ngoài quyết tâm, thì huy động vốn cũng là yếu điểm của rất nhiều khởi nghiệp trẻ hiện nay, ông Đỗ Tuấn Anh cho biết: ban đầu, khởi nghiệp có thể huy động vốn từ gia đình, bạn bè để tập trung tạo nên sản phẩm tốt, phù hợp với thị trường, sau đó, mới nghĩ đến việc xin vốn từ các nhà đầu tư.

Ở một khía cạnh khác, cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam nói chung vẫn đang thiếu sự ảnh hưởng của những người thành công đi trước, trái với một số nước trên thế giới, những doanh nhân khởi nghiệp thành đạt thường quay trở lại tạo ảnh hưởng bằng cách đào tạo, hướng dẫn, đầu tư cho các startup non trẻ. Theo quan điểm của ông Bobby Liu, một yếu tố khác đang cản trở sự phát triển của khởi nghiệp đó chính là thiếu sự cọ xát với các nước bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Liệu có một Zuckerberg thứ hai tại Việt Nam

Khi đề cập đến vấn đề, liệu cơ chế, chính sách tại Việt Nam có thể sản sinh được những khởi nghiệp xuất chúng như Mark Zuckerberg, tất cả các chuyên gia đều cho rằng, điều này không hề phụ thuộc vào chính sách mà phụ thuộc vào yếu tố con người. Nếu có khát khao thực hiện ý tưởng và loại bỏ được tư tưởng sợ thất bại, khởi nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tạo nên những bước đột phá mãnh liệt

Nhà nước có chính sách gì để phát triển khởi nghiệp Việt

Ông Trần Quốc Thắng – Giám đốc Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ” (viết tắ là FIRST) cho biết : Hiện nay, trong Luật KH&CN và Luật Công nghệ cao đều có những quy định cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao. Ngoài ra, Bộ KH&CN hiện nay cũng đang chủ trì thực hiện một số chương trình trọng điểm của Nhà nước, trong đó, có những hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao như Chương trình Đổi mới Công nghệ Quốc gia, Chương trình Phát triển Công nghệ cao, Chương trình 592 hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoặc mới đây là dự án FIRST hợp tác với Ngân hàng Thế giới v.v..

Ngoài ra, Bộ KH&CN mới thành lập Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, với nhiệm vụ tư vấn xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN, đặc biệt quan tâm tới các ngành công nghệ cao.

Ông Trần Quốc Thắng – Giám đốc dự án FIRST

Tổng kết

Trong bối cảnh chung của khởi nghiệp thế giới, Chính phủ đã có những chính sách rõ ràng nhằm hỗ trợ tối đa về vốn và cơ chế cho cộng đồng khởi nghiệp trong nước. Điều quan trọng là tự thân mỗi khởi nghiệp cần tích cực trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và nhất là phải hành động, mới có thể đưa doanh nghiệp của mình phát triển lớn mạnh.

Theo ICTNews