Việt Nam có lợi thế về nguồn nguyên liệu, điều kiện sản xuất thuận lợi nhưng lại thua hẳn về công nghệ chế biến và ý tưởng sáng tạo.

Việt Nam có lợi thế về nguồn nguyên liệu, điều kiện sản xuất thuận lợi nhưng lại thua hẳn về công nghệ chế biến và ý tưởng sáng tạo.

 

VN có nguyên liệu nhưng thiếu ý tưởng, công nghệ.

 

Thiếu tư duy sáng tạo

GS. Bùi Chí Bửu nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam cũng cho biết, sự thành công của socola Marou là tín hiệu đáng vui mừng nhưng cũng đặt ra không ít những  trăn trở.

Ông cho biết, sự nổi tiếng của loại socola này một phần nhờ từ nguyên liệu nhưng yếu tố quyết định lại do ý tưởng, công nghệ chế biến và khả năng phát triển thị trường.

Trong khi Việt Nam có nguyên liệu nhưng lại đang thiếu hẳn những ý tưởng đột phá, công nghệ sơ sài trong khi khâu rất quan trọng là phân phối, tiêu thụ sản phẩm thì không được học.

“Tôi lấy ví dụ điển hình từ sản phẩm của Công ty Công nghiệp Cao su Miền Nam (CAOSUMINA) sản xuất ra sản phẩm nhưng phải nhờ tới một công ty môi giới bên Đức tiếp thị mới bán được hàng. Vấn đề phát triển thị trường của Việt Nam rất yếu, không riêng gì cao su mà ở lĩnh vực nào cũng vậy”, GS Bửu nói.

Trở lại câu chuyện sản xuất socola, vị GS cho biết, để tạo ra được một sản phẩm socola nổi tiếng, chất lượng tốt thì ngay ở khâu giống, thu hái cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vì chỉ có thu hái và sơ chế đúng mới tạo ra được sản phẩm có chất lượng cao.

Sau công đoạn thu hái, bảo quản là công đoạn lên men. Ở công đoạn này hai người Pháp và Nhật đã sử dụng phương pháp lên men bằng công nghệ cao của người nước ngoài nhằm phân giải các chất hữu cơ tạo ra các loại nấm Kluyveromyces và Saccharomyces. Các loại nấm này là thành phần chính tham gia vào quá trình chuyển hóa chất, tạo thành socola.

Ở đây, Việt Nam có lợi thế về nguồn nguyên liệu, điều kiện sản xuất thuận lợi nhưng lại thua hẳn về công nghệ chế biến và ý tưởng sáng tạo.

Lấy ví dụ từ gạo mầm, vị chuyên gia kể: Ở Việt Nam gạo lên mầm bị bỏ đi nhưng bên Mỹ họ lại tận dụng và tạo ra được sản phẩm gạo mầm nguyên phôi có giá trị dinh dưỡng rất cao, được bán phổ biến tại nhiều nước trên thế giới với giá rất đắt. Socola cũng vậy, không đơn giản để tạo ra được một sản phẩm chất lượng cao như vậy. Trong sự thành công đó có vai trò rất quan trọng của tư duy sáng tạo.

“Máy móc, công nghệ thiếu có thể nhập từ nước ngoài nhưng sự nghèo nàn ý tưởng sẽ khiến Việt Nam luôn rơi vào thế bị phụ thuộc”, ông nói.

Mỹ cũng từng chở nhiều tàu cà chua đổ ra biển

Cũng theo vị GS, sự thành công của các sản phẩm nông nghiệp Mỹ cũng phải trả giá bằng những bài học rất đắt. Mỹ cũng từng rơi vào tình cảnh của Việt Nam, cũng phải chở rất nhiều tàu cà chua đổ ra biển để giữ giá cà chua. Nhiều nước trên thế giới như Malaysia, Hà Lan cũng từng lâm cảnh như vậy và họ phải mất khoảng vài chục năm để thoát  khỏi thảm cảnh đó.

GS Bửu kể, vào những năm 70-80 thế kỷ trước, khi đó nhu cầu sản xuất lên quá cao, giá cà chua xuống quá thấp, để đảm bảo lợi ích cho người nông dân, chính phủ Mỹ một mặt thực hiện chính sách trợ giá, mua cà chua đổ ra biển, mặt khác khuyến khích người dân bỏ đất hoang để giữ giá.

Đến khoảng thập niên 90, Mỹ mới cơ bản thoát được cảnh đổ cà chua, khoai tây ra biển nhờ đẩy mạnh công nghiệp chế biến và họ đã thành công.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, Mỹ có thể thành công trong vài chục năm vì họ là nước lớn, có nền kinh tế phát triển còn với Việt Nam thời gian có thể nhiều gấp đôi, gấp ba, thậm chí còn lâu hơn nữa.

“Mỹ cũng có những cuộc giải cứu nông sản, cà chua, khoai tây như Việt Nam giải cứu dưa hấu, chuối thanh long vậy. Chỉ khác ở chỗ, Việt Nam thì kêu gọi hoặc giao chỉ tiêu cho các cơ quan phải mua sản phẩm ủng hộ người nông dân. Giải pháp đó chỉ mang tính tạm thời, kiểu bán được ít nào hay ít đó, không có tác dụng trong việc giữ giá cho người nông dân.

Còn chính phủ Mỹ họ thực hiện trợ giá, mua toàn bộ sản phẩm dư thừa để làm từ thiện, viện trợ cho các nước nghèo. Chỉ giữ đủ số lượng thị trường yêu cầu, vì vậy, giá sản phẩm không thay đổi, quyền lợi của người nông dân vẫn được bảo đảm” – ông Bửu chỉ rõ.

GS Bửu cho rằng, Việt Nam rất khó học được theo Mỹ nhưng trước mắt nông nghiệp Việt Nam rất cần có một chủ trương, chính sách đúng đắn, thể hiện sự thống nhất, quyết tâm cao trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Quan trọng hơn chính sách đó cần thể hiện được quan điểm nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân phải cùng đồng hành. Thực tế hiện nay người nông dân vẫn đang phải tự bơi, trong khi doanh nghiệp mạnh ai nấy làm, không có sự liên kết, không kết nối theo chuỗi, còn nhà nước vẫn bất lực đứng quan sát từ phía ngoài.

“Tính trung bình lợi ích trong chuỗi giá trị sản xuất hiện nay người nông dân chỉ thu được khoảng 11-13% tổng giá trị, rất thấp. Vì vậy, trong sản xuất người nông dân luôn trông chờ vào giá, khi giá nên thì ồ ạt trồng nhưng khi giá xuống thì chặt bỏ. Đó là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước đã để ngỏ chuỗi giá trị suốt 30 năm qua, không chịu làm”, vị GS nói.

Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam nói thẳng, từ chỗ thiếu ý tưởng sáng tạo, không phát triển công nghiệp chế biến, sản xuất không gắn với chuỗi giá trị, mạnh ai nấy làm nên ở nhiều ngành công nghiệp, việc xuất khẩu sản phẩm thô đã khiến Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, đẩy người nông dân vào thế bị động, luôn chịu thiệt thòi.

Theo vị chuyên gia, nếu Việt Nam làm tốt chuỗi giá trị thì không chỉ socola, lúa gạo Lộc Trời mà Việt Nam có thể có nhiều sản phẩm nổi tiếng thế giới khác.

Hoài An (Theo Báo Đất Việt)