Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cơ bản chưa đi vào thực thi nên tác động mang tính gián tiếp nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện Mỹ thay đổi chính sách nên Việt Nam đang tính tới 3 phương án “ứng phó”.

 

Cơ bản do TPP chưa đi vào thực thi nên tác động mang tính gián tiếp nhiều hơn.
Cơ bản do TPP chưa đi vào thực thi nên tác động mang tính gián tiếp nhiều hơn.

 

Sáng nay (28/2), phát biểu tại Phiên họp Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế lần 1 năm 2017, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, ông Lương Hoàng Thái cho biết, đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện Mỹ thay đổi chính sách nên Việt Nam đang tính tới 3 phương án “ứng phó”.

Theo ông Thái, phương án đầu tiên được đề cập đến là TPP-1, thậm chí có thể cộng thêm một số nước khác.

“Chúng ta đã điện đàm ở cấp bộ trưởng, cấp đại sứ với một số nước liên quan về việc này. Đây cũng là nội dung phải bàn thêm ở cấp kỹ thuật. Do đó, hiện giờ, đối với phương án TPP 12-1, chúng ta cởi mở lắng nghe để trình Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ quyết định”, ông Thái cho biết.

Phương án thứ 2 được nêu ra là thay vì hợp tác đa phương thì có thể chuyển sang song phương. Hiện Mỹ đã đặt vấn đề với các nước Anh, Nhật nhưng tất cả mới nêu ở cấp chính trị, những bước đi cụ thể hoàn toàn chưa có.

Phương án 3 là các nước sẽ thúc đẩy các hiệp định khác thay thế TPP.

“Cơ bản do TPP chưa đi vào thực thi nên tác động mang tính gián tiếp nhiều hơn. Có nghiên cứu nói Việt Nam có thể chịu tác động lớn thứ 2, sau Mexico nhưng đó là tác động kỳ vọng thôi, còn tác động thực tế chưa đến mức lớn nhưng 1 số phương tiện đã nêu. Hơn nữa, dù có TPP hay không thì tự thân chúng ta có nhiều vấn đề cải cách cần thực hiện mà là minh bạch hoá tài chính công, cải cách thủ tục hành chính chính”, ông Thái nói.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng lý giải nguyên nhân hiện đã hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN nhưng xuất khẩu sang khu vực này lại chững lại. Theo Bộ Công Thương, cơ cấu kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam tương đối giống với các nước ASEAN trong khi đó năng lực của doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các cơ hội thấp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước muốn hướng tới thị trường trong nước hoặc là các thị trường khác, không muốn thâm nhập vào thị trường ASEAN. Trong khi đó, các nước ASEAN cũng dựng lên các hàng rào thương mại và xu hướng này sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Báo cáo công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong năm 2016 và định hướng triển khai năm 2017 của Ban chỉ đạo cho thấy, Việt Nam đã và đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế và bước vào một thời kỳ hội nhập mới với những mốc nổi bật như: Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành;…. Đặc biệt, một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết bắt đầu có hiệu lực. Việt Nam đang đẩy mạnh hơn nữa hội nhập trong nước thông qua việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng…

Các Bộ, ngành đã chủ động hơn trong việc nghiên cứu sâu về tác động của cam kết quốc tế đối với từng lĩnh vực, ngành hàng cụ thể để tư vấn kịp thời cho các doanh nghiệp trong quá trình thực thi các FTA cũng như tác động của việc thực hiện các yêu cầu về lao động trong FTA và các chương trình hỗ trợ pháp lý về lao động cho doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, quá trình triển khai công tác HNKTQT vẫn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: công tác phối hợp để xây dựng các chương trình, kế hoạch về hội nhập kinh tế quốc tế vẫn còn lỏng lẻo, vẫn còn nặng tư tưởng cơ quan chủ trì phải chịu trách nhiệm chính, các cơ quan phối hợp đôi khi tham gia chưa tích cực, kế hoạch còn thiếu tính toàn diện từ khâu xây dựng, triển khai đến đôn đốc, giám sát, đánh giá. Chính vì vậy, dẫn đến đến tình trạng các kế hoạch, chương trình hành động triển khai còn chậm so với tiến độ, một số nhiệm vụ còn bỏ trống hoặc chưa đạt được hết các mục tiêu đề ra.

Phương Dung (dantri)