Cũng theo nguồn tin này cho biết, Vingroup – Tập đoàn bất động sản lớn nhất của Việt Nam – đã lựa chọn các ngân hàng đầu tư để thảo luận về đợt IPO này và hướng tới mục tiêu bán cổ phần sớm nhất là vào năm nay. Công ty muốn huy động khoảng 600 triệu USD – có thể bao gồm chào bán lượng cổ phiếu hiện hữu cũng như phát hành thêm cổ phiếu mới.

Vincom Retail đang chuẩn bị huy động vốn khi tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam làm gia tăng tiêu chuẩn sống cũng như thu nhập khả dụng của những người mua sắm. Trong tháng này, chỉ số VN-Index đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2008, và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6.3% trong năm nay.

Đợt chào bán cổ phiếu trị giá 600 triệu USD sẽ là đợt IPO lớn nhất trong một thập kỷ của Việt Nam, chỉ xếp sau đợt chào bán của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HOSE: VCB) trong năm 2007, khi đó ngân hàng này được lựa chọn cho chương trình thí điểm của Chính phủ để tư nhân hóa lĩnh vực ngân hàng. Lần bán cổ phiếu vượt mức 100 triệu USD gần nhất là của CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC). Được biết, cổ phiếu Vietjet đã tăng 48% kể từ lúc lên sàn hồi tháng 2/2017.

Nguồn thông tin thân cận cho biết quy mô chính xác của đợt chào bán cổ phiếu từ Vincom Retail vẫn chưa được thiết lập, và thời gian dự kiến cho việc niêm yết có thể thay đổi. Các đại diện của Vingroup và Warburg Pincus vẫn chưa phản hồi về thông tin này.

Về tiềm năng phát triển mảng bán lẻ thời hiện đại, tại các nền kinh tế lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có ưa chuộng những mặt hàng nhập khẩu và nhãn hiệu quốc tế. Và cũng chính những mặt hàng này đã tạo động lực tăng trưởng cho ngành bán lẻ ở nhiều nơi như Kuala Lumpur, Manila và Bangkok, báo cáo tháng 9/2016 của Hội đồng Phát triển Thương mại Hồng Kông (HKTDC) cho thấy. Triển vọng của ngành bán lẻ Việt Nam có lẽ là lạc quan nhất ở khu vực, và có nhiều cơ hội để tăng trưởng mạnh hơn khi ngành bán lẻ hiện đại vẫn ở giai đoạn phát triển đầu tiên.

Theo Vietstock