Quy mô nhỏ, hoạt động rời rạc, thiếu liên kết là điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp Việt lâu nay. Trước thực tế này, kết nối vào chuỗi cung ứng, kết nối với các bạn hàng, đối tác, thậm chí là DN trong cùng lĩnh vực sản xuất là giải pháp, là hướng đi cần được đẩy nhanh, tiến hành hiệu quả hơn nữa.

Nhu cầu liên kết, hợp tác với các DN Việt Nam để hình thành chuỗi cung ứng đang rất lớn. Ảnh: Danh Lam

 

Tăng năng suất, giảm thời gian

Việt Nam đã làm tốt công tác ngăn chặn đại dịch. Trong thời điểm hiện nay thì các DN phải nhanh chóng phục hồi, phải tìm cách chuẩn bị tốt hơn cho chuỗi cung ứng toàn cầu mới. Ông Thân Văn Hùng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn VISIMEX (DN sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản) cho hay, công ty vẫn giữ được mức tăng trưởng hơn 200% so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào việc chủ động đầu từ công nghệ sản xuất, tăng giá trị cho mặt hàng nông sản. Hơn nữa, DN này cũng đã chủ động phát triển nguồn nguyên liệu, tạo thành liên kết nông dân – DN giúp việc cung ứng được thuận lợi hơn.

Cùng với sự năng động của DN Việt Nam, đáng kể nhất là sự phối hợp giữa các DN lớn với DN trong chuỗi để cùng tạo thành hiệu ứng lan tỏa, tiến tới tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Đơn cử như các dự án hợp tác tư vấn giữa DN đầu chuỗi là Samsung với một số DN Việt Nam, kết quả từ năm 2015 đến nay, hơn 130 DN Việt Nam đã được chuyên gia Hàn Quốc và chuyên gia Việt Nam tư vấn cải tiến để cải tổ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và hoàn thiện chính mình.

Kết quả sau tư vấn, Công ty Cổ phần Fitek Việt Nam cải tiến 51% trung bình lỗi thao tác, nâng cao hiệu suất sử dụng máy gia công từ 71% đến 85%, đồng thời giảm tỷ lệ thiếu sót trong thiết kế, phát sinh lỗi từ 8,6% xuống 0%. Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội, thời gian sản xuất giảm từ 7 ngày xuống còn 3 ngày, số ngày tồn kho các sản phẩm trọng yếu giảm từ 5,6 ngày xuống 2,9 ngày; đặc biệt giảm 28% tỷ lệ lỗi công đoạn…

Tuy nhiên, kết quả trên vẫn là chưa đủ, liên kết đầu – cuối trong chuỗi sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa thực sự chặt chẽ. Theo tổng hợp của dự án LinkSME (Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa), trong số các DN cung cấp cho các công ty FDI của Nhật Bản tại Việt Nam, 58,9% các DN đó là các công ty FDI có trụ sở tại Việt Nam. Chỉ có 13% nguồn dịch vụ, sản phẩm đầu mua tại địa phương được cung cấp bởi các DN Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, điểm yếu của các DN Việt Nam là rời rạc, thiếu tính liên kết. Với đa phần là DN nhỏ và vừa, nên các DN Việt Nam còn rất nhiều hạn chế, nhiều DN chưa có tư duy chiến lược dài hạn, bài bản nên rất khó để hợp tác, cùng phát triển, trở thành các đối tác lâu dài, hướng tới mục tiêu phát triển chung.

Chính vì thế, để liên kết hợp tác, không chỉ DN phải cố gắng mà cần sự vào cuộc của nhiều bên. Theo đại diện Công ty TNHH Sakura (DN chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa kỹ thuật công nghiệp), để liên kết với các DN lớn, DN phải đầu tư cơ sở hạ tầng giúp “nâng chuẩn” lên, từ đó mới vượt qua được các đánh giá của DN lớn, DN nước ngoài thì sẽ dễ dàng hơn cho các quan hệ sau này. Tuy nhiên, cũng theo vị này, nếu như không có sự vào cuộc của chính DN đối tác cũng như cơ quan quản lý thì DN cũng khó lòng tìm được phương hướng thực hiện hoạt động “nâng cấp” như trên.

 

Hỗ trợ thiết thực hơn

Chia sẻ về vấn đề này, ông Jeff Nessom, đại diện Công ty TNHH Techtronic Industries (TTI) cho hay, là một DN đầu chuỗi cung ứng nên các nhà cung cấp phải thiết lập được năng lực phù hợp. Theo đó, các DN nội cần phải hiểu được khoảng cách kỹ thuật và kỹ năng, cũng như các tiêu chuẩn QCD (chất lượng, giá thành và giao hàng) để nâng cấp năng lực.

Thực tế, các DN lớn, DN nước ngoài tại Việt Nam vẫn luôn muốn hợp tác với các DN cung ứng, để cùng hình thành chuỗi cung ứng sản xuất, nhất là trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Bà Đào Thị Thu Huyền, Quản lý cấp cao Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, Canon có 147 nhà cung cấp tại Việt Nam, nhưng trong đó chỉ có 20 nhà cung cấp là DN Việt Nam. Hiện Công ty vẫn có hàng chục linh kiện cần tìm nhà cung cấp nội địa. Do đó, vị này cho rằng, DN cần đầu tư vào khoa học công nghệ và hướng vào các sản phẩm mà các DN khác chưa làm.

Ngoài ra, nhiều DN cho biết, các cơ quan quản lý cũng phải đứng ra giúp đỡ DN nâng cao chất lượng sản xuất. Đơn cử như với một DN ngành sản xuất công nghiệp, để đạt được đúng chất lượng như đối tác yêu cầu thì DN cần hỗ trợ về vốn, về mặt bằng cho sự phát triển. Do đó, các DN này mong muốn nhận được các gói tín dụng ưu đãi hay được hỗ trợ về giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp…

Hiện nay, các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng liên quan đã đưa ra nhiều phương án hỗ trợ các DN trong liên kết, như tổ chức các hội thảo, buổi gặp mặt kết nối; đưa ra các chính sách ưu đãi cho DN tăng đầu tư và phát triển… Nhưng các DN mong muốn các hoạt động này cần thiết thực hơn, đi đúng đến nhu cầu của DN. Ngoài ra, các đối tác ở đầu chuỗi cung ứng có thể giúp các DN trong nước tiến hành đào tạo, nghiên cứu và phát triển… để có thể đạt được theo các tiêu chuẩn mà DN đầu chuỗi mong muốn.

 

Hương Dịu (Theo Báo Hải Quan)