Dịch vụ “mua trước, trả tiền sau” đặc biệt thu hút người tiêu dùng trẻ thường hay mua sắm trực tuyến nhưng có thể không có thẻ tín dụng.

Theo Klarna, ứng dụng của họ hiện có hơn 12 triệu người sử dụng thường xuyên mỗi tháng. Ảnh: CNN

Giá trị của công ty Klarna (có trụ sở ở thành phố Stockholm của Thụy Điển) đã tăng gần gấp đôi lên 10,6 tỉ đô la sau khi gọi vốn được 650 triệu đô la. Kết quả này giúp Klarna lọt vào tốp 5 công ty công nghệ tài chính (fintech) được định giá cao nhất thế giới, theo dữ liệu của Công ty CB Insights.

Công ty này hiện đứng thứ 4, sau ba cái tên Robinhood (Mỹ – 11,2 tỉ đô la), One97 Communications (Ấn Độ – 16 tỉ đô la), Stripe (Mỹ – 36 tỉ đô la). Riêng ở châu Âu, Klarna chính thức trở thành công ty fintech có giá trị cao nhất.

Nhiều lựa chọn không tính lãi suất, phí

Ra đời năm 2005, Klarna được biết đến nhiều nhất với mô hình “mua trước, trả tiền sau” khá phổ biến tại một số nước châu Âu, nơi nhiều người tiêu dùng không có thẻ tín dụng hoặc không muốn trả phí khi sử dụng thẻ này.

Ý tưởng này hoạt động như sau: khi khách hàng thanh toán mua sắm trên các trang như ASOS, Gymshark hay Topshop, họ có thể trả tiền ngay lập tức bằng thẻ hoặc PayPal hoặc “trả tiền sau với Klarna”. Với Klarna, họ có thể hoàn thành đơn hàng mà không cần trả tiền ngay cho người bán. Thay vào đó, họ trả tiền cho Klarna trong khoảng thời gian lên tới 30 ngày kể từ khi sản phẩm được giao.

Trong hầu hết trường hợp, khách hàng chỉ phải cung cấp các thông tin như tên, địa chỉ thanh toán, ngày sinh, địa chỉ email và số điện thoại. Trong vòng vài giây, họ sẽ trải qua quá trình “kiểm tra tín dụng mềm” để được chấp nhận cho dùng dịch vụ.

Klarna sử dụng công nghệ học máy và phân tích để đánh giá người tiêu dùng theo thời gian thực dựa trên những thông tin ít ỏi như thế. Khách hàng có thể chọn trả toàn bộ tiền 30 ngày sau đó hoặc chia đều số tiền thành các kỳ thanh toán trong vòng 3-4 tháng sau đó với lãi suất 0%. Họ cũng có thể chọn chia giá của các đơn hàng đắt tiền để trả hàng tháng (tối đa 36 tháng) nhưng có thể phải trả lãi suất.

Dịch vụ “mua trước, trả tiền sau” không phải quá mới. Tuy nhiên, điều khiến Klarna khác biệt so với các nhà cung cấp thẻ tín dụng và các nhà cho vay truyền thống khác là công ty này có nhiều lựa chọn không tính lãi suất hoặc phí đối với người tiêu dùng. Họ cũng không phải đăng ký hoặc lập tài khoản.

Thay vào đó, Klarna tính phí giao dịch đối với nhà bán lẻ và lấy phần trăm giá trị đơn hàng. Đổi lại, Klarna tuyên bố có thể làm tăng số lượng đơn hàng của nhà bán lẻ và mức chi tiêu bình quân. Chẳng hạn như sau khi Klarna bắt tay với Gymshark năm nay, giá trị đơn hàng bình quân của nhà bán lẻ ở Anh này tăng 33%.

 

Nỗi lo khuyến khích vay nợ

Ông Sebastian Siemiatkowski, Giám đốc điều hành Klarna. Ảnh: Reuters

Các đối thủ của Klarna tại châu Âu là Revolut và Checkout.com (cùng ở Anh). Theo CB Insights, cả ba công ty Revolut, Klarna và Checkout.com đều được định giá 5,5 tỉ đô la trước khi Klarna vượt lên với vòng gọi vốn khủng nói trên.

Klarna gần đây còn mở rộng sang Mỹ, nơi họ đang có 9 triệu khách hàng và cạnh tranh với các đối thủ chính là Affirm và Afterpay. Đáng chú ý, công ty Afterpay (trụ sở ở Úc) vào tháng rồi cho biết đã đồng ý mua công ty Pangatis (Tây Ban Nha), qua đó cho phép họ mở rộng sang châu Âu và thách thức Klarna.

Klarna hiện có khoảng 235.000 đối tác bán lẻ và 90 triệu khách hàng. Công ty này cho biết ứng dụng của họ hiện được hơn 12 triệu người sử dụng thường xuyên mỗi tháng.

Kể từ đầu năm 2020, Klarna hưởng lợi từ sự bùng nổ của thương mại điện tử trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành. Nền tảng này bổ sung hơn 35.000 nhà bán lẻ mới trong nửa đầu năm nay và giá trị giao dịch thông qua nền tảng thanh toán này là 22 tỉ đô la, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Sebastian Siemiatkowski của công ty, phần lớn sự tăng trưởng này đến từ thị trường Mỹ. Ông Siemiatkowski dự báo Mỹ sẽ sớm trở thành thị trường lớn nhất của công ty, qua mặt hai thị trường hàng đầu hiện tại là Đức và Thụy Điển.

Dịch vụ “mua trước, trả tiền sau” đặc biệt thu hút người tiêu dùng trẻ thường hay mua sắm trực tuyến nhưng có thể không có thẻ tín dụng. Tuy nhiên, một số người lo ngại xu hướng trên có thể khuyến khích vay nợ. Dù vậy, Klarna cho biết chỉ chưa đến 1% khách hàng không thể thanh toán được hóa đơn.

Một vấn đề khác là công ty này vẫn chưa đạt lợi nhuận. Báo cáo tạm thời về tình hình kinh doanh sáu tháng đầu năm cho thấy công ty này đạt doanh thu 446 triệu đô la nhưng bị lỗ khoảng 59,8 triệu đô la, tăng bảy lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Klarna cho biết sẽ dùng khoản vốn mới nói trên để tiếp tục đầu tư phát triển và mở rộng dịch vụ, nhất là tại Mỹ. Hiện có mặt tại 20 thị trường, Klarna hy vọng con số này tăng lên 25 vào năm tới, theo ông Siemiatkowski.

Theo CNBC, CNN, TechCrunch, Reuters, TBKTSG