Đại diện doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam trao đổi tại Ngày hội Nhà cung cấp 2017 ở TPHCM – Ảnh: Hùng Lê

 

Chiều ngày 13-9, 17 nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ và phân phối nước ngoài, trong đó phần lớn là doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, đã tham gia sự kiện Ngày hội Nhà cung cấp 2017 do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam), chi hội TPHCM, tổ chức tại TPHCM nhằm tìm hiểu khả năng cung ứng của công ty Việt Nam, chia sẻ những yêu cầu của mình với nhà cung cấp…

 

Đây là sự kiện tiếp nối thành công của Ngày hội Nhà cung cấp của ba năm trước đó (năm 2014 – 2016). Với sự kiện này, AmCham Việt Nam muốn tạo ra cách tiếp cận mới cho nhà cung cấp và nhà sản xuất để góp phần phát triển chuỗi cung ứng Việt Nam. Theo Ban tổ chức, sự kiện không chỉ là cơ hội để nhà cung cấp tìm hiểu nhu cầu của nhà sản xuất, mà còn là cơ hội để nhà sản xuất tìm hiểu về nhà cung cấp tiềm năng, từ đó lên các chương trình đào tạo và cung cấp thông tin cho đối tác tiềm năng. Có 60 nhà cung cấp trong nước hoạt động nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia sự kiện này.

 

Ông Frank Weiand, đồng Chủ tịch Ban sản xuất AmCham Vietnam tại TPHCM, đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Chuỗi cung ứng Quốc tế Việt Nam (SCSI), hy vọng sự kiện này sẽ thu hút và cải tiến chuỗi cung ứng địa phương, và kết nối với nhà sản xuất quốc tế vì họ đang rất cần một chuỗi cung cấp nội địa chất lượng cao để tiết kiệm chi phí và cho phép vận hành linh hoạt.

 

Theo ông Phạm Trọng Quân, Tổng giám đốc Công ty WAHL Việt Nam, doanh nghiệp chuyên sản xuất tông đơ hớt tóc tại khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An, xuất khẩu đi nhiều thị trường như Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand,… , cho rằng Ngày hội Nhà cung cấp rất thiết thực cho công ty để có thể chọn tìm được những nhà cung cấp tiềm năng, hỗ trợ phát triển để đồng hành cùng nhau trong chuỗi cung ứng, giảm giá thành sản phẩm và nâng tỷ lệ nội địa hóa cao hơn. Đây là lần thứ 4 liên tiếp, WAHL Việt Nam tham gia sự kiện này và theo ông Quân, công ty luôn tìm được nhà cung cấp cho những bước đi tiếp theo.

 

Cụ thể sau buổi tiếp với 5 nhà cung cấp lần này, có đến 4 nhà cung cấp mà công ty nhận thấy có thể làm việc và có những bước thảo luận hợp tác tiếp theo. Theo ông Quân, đây là kết quả khá tốt so với thời điểm đầu. Từ con số 5% ở giai đoạn đầu cách đây 4 năm, đến nay sản phẩm tông đơ của WAHL Việt Nam sản xuất đã nâng tỷ lệ nội địa hóa lên được 45%. Ông Quân tin rằng, với đà này, đến cuối năm 2018, sản phẩm của WAHL Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa đến 95% để có thể cạnh tranh tốt về giá cả với các nhà máy khác của WAHL ở các nước khác, trong đó có Trung Quốc.

 

Theo ông Weiand, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cung cấp nội địa cần nâng cao năng lực thông qua việc thực thi các yêu cầu về hệ thống quản lý chất lượng, yếu tố kỹ thuật trong sản xuất để đạt đến tiêu chuẩn cơ bản trong lĩnh vực hoạt động của mình. Từ đó, nhà cung cấp nội địa có thể tạo ra và phát triển các cơ hội thị trường mới cũng như nhận biết và giải quyết những thử thách, đóng góp vào thành tựu của chương trình phát triển chuỗi cung ứng của Việt Nam.

 

Để tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu thì doanh nghiệp phải cho ra sản phẩm tốt về chất lượng, giá cả và thời gian hợp lý. Tuy nhiên, khảo sát thực tế, những yếu tố này thật sự đang là thách thức không nhỏ đối với các nhà cung cấp nội địa tại Việt Nam.

Theo TBKTSG