Sau một thời gian khá thành công với việc XK hàng hóa đi nước ngoài, nhiều DN đã quyết định quay về thị trường nội địa, bởi đây chính là nơi họ có nhiều lợi thế cạnh tranh nhất trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam.

 

Nhiều DN XK gạo đã quan tâm hơn đến thị trường nội địa. Ảnh: Nguyễn Huế.

Ông Nguyễn Quang Vinh, phụ trách mảng bán lẻ trong nước của Công ty Đức Việt cho biết, trước đây toàn bộ sản phẩm nội thất trẻ em của công ty mang thương hiệu Nanakids sản xuất ra đều được XK đi các thị trường Mỹ và các nước châu Âu. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thị trường, Đức Việt nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng trong nước đối với các sản phẩm nội thất trẻ em như nôi, cũi, giường tầng, bàn ghế trẻ em… ngày càng lớn. Ngoài ra, trong xu thế hội nhập, nhiều thương hiệu nước ngoài cũng bắt đầu “nhòm ngó” thị trường trong nước đầy tiềm năng. Do đó, từ năm 2013, ban lãnh đạo Công ty Đức Việt quyết định đầu tư cho thị trường trong nước. Với lợi thế “sân nhà” cùng với sản phẩm có mẫu mã thiết kế đẹp, đạt các tiêu chuẩn XK tại Mỹ và châu Âu, Đức Việt tự tin có thể làm chủ thị trường nội thất trẻ em trong nước. Hiện, công ty đã xây dựng được mạng lưới phân phối tại các trung tâm thương mại ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM và đang từng bước mở rộng thêm nữa.

 

Tương tự, Công ty TNHH Honey and Coffee của ông Nguyễn Văn An cũng đã có hơn 10 năm XK mật ong đi các thị trường như Mỹ, Nhật. Tuy nhiên, điều khiến ông An trăn trở là dù rất nỗ lực nhưng DN cũng khó xây dựng được thương hiệu của mình tại các thị trường XK. Phần lớn sản phẩm XK vẫn phải mang các nhãn hiệu của nước ngoài. Chính bởi vậy, cách đây 4 năm, ông An đã quyết định đầu tư cho thị trường nội địa để được “là chính mình”. Hiện công ty ông đã đầu tư 3 nhà máy ở Hóc Môn (TP.HCM), Bình Dương và  Đồng Nai. Đồng thời thực hiện các kế hoạch về sản xuất sản phẩm hữu cơ để cung cấp cho thị trường nội địa.

 

Là một DN chế biến thực phẩm có tỉ lệ hàng XK chiếm đến 70%, trong đó chủ yếu là XK vào thị trường Nhật, tỉ lệ bán nội địa của Saigon Food chỉ chiếm 30%. Tuy nhiên, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Saigon Food cho biết, DN cũng đang tập trung vào thị trường nội địa với chiến lược phát triển lâu dài là đến năm 2022 tỉ lệ tiêu thụ và XK sẽ là 50-50. Trong năm 2017, tốc độ tăng trưởng tại thị trường nội địa của Saigon Food là trên 30%. Theo bà Lê Thanh Lâm, cũng như các DN XK khác, để phát triển được ở thị trường nội địa đối với Saigon Food cũng không phải là vấn đề đơn giản và nếu không có sự đầu tư bài bản, không có chiến lược rõ ràng thì rất khó thành công. Vì khi DN làm hàng XK DN không cần phải nghiên cứu thị trường, không cần nghiên cứu công nghệ vì tất cả các vấn đề này đều đã được các khách hàng nước ngoài đặt hàng, hướng dẫn. Sản phẩm làm ra cũng được khách hàng mua sỉ với số lượng lớn. Trong khi đó, để có sản phẩm bán được tại thị trường nội địa DN phải nghiên cứu thị trường để đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng phải làm marketing, phân phối và phải bán lẻ. Tuy nhiên, làm ở thị trường nội địa cũng phải có quy mô lớn vì nếu chỉ làm ở quy mô nhỏ thì khó hiệu quả vì chi phí lưu thông, phân phối, chi phí bán hàng rất cao.

 

Đối với trường hợp của Saigon Food, với lợi thế đã XK được nhiều sản phẩm sang các hệ thống phân phối lớn của Nhật như Aeon, 7 Eleven nên khi các hệ thống phân phối này sang Việt Nam thì Saigon Food tiếp tục được họ lựa chọn là nhà cung cấp. Ngoài lợi thế trên, một lợi thế cạnh tranh lớn khác của Saigon Food là một trong những DN đi đầu trong việc sáng tạo đưa ra các sản phẩm mới cho người tiêu dùng. Nhờ đó khi Saigon Food đưa hàng vào các hệ thống phân phối trong nước cũng không gặp khó khăn vì phần lớn sản phẩm của Saigon Food đều là sản phẩm mới. Điển hình như sản phẩm cháo tươi, khi mới đưa ra bán nhiều người nghĩ là không thành công vì có giá thành khá cao từ 17.000 đồng đến 25.000 đồng/gói, trong khi giá cháo gói chỉ có 3.000 đồng/gói nhưng đến thời điểm hiện nay Saigon Food đã thành công với sản phẩm này. Hiện nay, tại thị trường nội địa, ngoài các sản phẩm thủy hải sản đông lạnh thì cháo tươi đã là sản phẩm chủ lực của Saigon Food được người tiêu dùng ưa chuộng.

 

Phát triển thị trường nội địa ngoài mục tiêu về doanh thu, lợi nhuận còn là trách nhiệm của DN trong cuộc chiến về an toàn thực phẩm, đó là quan điểm của Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, một DN chuyên sản xuất, kinh doanh XK gạo sạch tại Cần Thơ. Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cùng với việc XK gạo sạch sang nhiều nước trên thế giới, từ năm 2015, Công ty Trung An đã bắt đầu bán gạo sạch tại thị trường nội địa. So với XK, việc bán gạo sạch tại thị trường trong nước gặp rất nhiều khó khăn vì người nhận thức của người tiêu dùng trong nước về  gạo sạch, gạo hữu cơ còn rất hạn chế. Chính vì vậy trong những năm đầu, tỉ lệ tiêu thụ nội địa của Công ty Trung An chỉ chiếm từ 1% đến 2% tổng sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhận thức của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi, tỉ lệ bán hàng tại nội địa của Công ty ngày càng tăng, hiện nay chiếm từ 4-5% và dự kiến sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới.

 

“Với dân số trên 90 triệu người, thị trường nội địa đang là một kênh tiêu thụ rất tốt cho các DN. Nhận thức được điều này không chỉ có Công ty Trung  An, nhiều DN sản xuất gạo cũng đã bắt đầu quan tâm đến thị trường nội địa. Ngoài ra, trong khi vấn đề an mất an toàn thực phẩm đang ở mức đáng báo động như hiện nay thì việc tham gia cung cấp các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm cũng là trách nhiệm của các DN với cộng đồng và người tiêu dùng”, ông Phạm Thái Bình cho biết.

 

Nguyễn Huế (Theo Báo Hải Quan)