Các siêu thị, chuỗi bán lẻ cam kết bán không lợi nhuận để giải cứu thanh long, dưa hấu không xuất được sang Trung Quốc.

Dịch viêm phổi do virus corona đang khiến hàng loạt nông sản Việt kêu cứu vì bí đầu ra, không xuất được sang Trung Quốc, nhiều container đang ùn ứ tại cửa khẩu.

Theo bà Lê Thị Nga – Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để tháo gỡ, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đang tìm hệ thống phân phối mới và đàm phán với Trung Quốc sớm mở lại cửa khẩu đường biên. Ngoài ra, giải pháp khác là đề nghị các doanh nghiệp logistics giúp đỡ bảo quản nông thủy sản khi chờ xuất khẩu.

Ở thị trường trong nước, 6 doanh nghiệp có hệ thống phân phối lớn đã cam kết thu mua lượng nông sản này, bán không lợi nhuận để kích cầu tiêu thụ, giải cứu cho nông dân.

Một khách hàng chọn mua dưa hấu trong chương trình giải cứu cùng nông dân, giá 7.200 đồng một kg tại hệ thống BigC Hà Nội. Ảnh: Anh Minh

Một khách hàng chọn mua dưa hấu trong chương trình giải cứu cùng nông dân Gia Lai, giá 7.200 đồng một kg tại hệ thống BigC Hà Nội. Ảnh: Anh Minh

Ông Khúc Tiến Hà – Giám đốc điều hành BigC miền Bắc cho biết, hai ngày nữa lô hàng 15 tấn dưa hấu trắng, 10 tấn dưa hấu đỏ từ miền Nam sẽ ra tới miền Bắc và được bán tại đây. “Mỗi ngày BigC dự kiến tiêu thụ 40 tấn dưa hấu, tương tự với thanh long”, ông cho biết.

Tại các siêu thị Big C và GO! miền Bắc, dưa hấu ruột đỏ được bán giá 6.900 đồng một kg; thanh long ruột đỏ và ruột trắng giá 15.500 đồng một kg. Còn tại khu vực phía Nam, giá tương ứng hai loại trái cây này là 4.900 đồng và 10.900 đồng mỗi kg. Hệ thống này dự kiến tiêu thụ khoảng hơn 4.000 tấn thanh long và dưa hấu trong chương trình này.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Dung – Giám đốc Co.op mart Hà Nội cũng cho hay, hệ thống đã lên kế hoạch giải cứu dưa hấu và thanh long. Các kệ nông sản chung tay vì nông dân đã được triển khai tại khu vực phía Nam, còn miền Bắc hàng sẽ có từ ngày 6/2.

Riêng tại Hà Nội, hệ thống Co.opmart và chuỗi cửa hàng Coop Food dự kiến tiêu thụ gần 100 tấn nông sản giải cứu, tương ứng mỗi siêu thị tối thiểu 5 tấn mỗi ngày.

Dự báo dịch nCoV sẽ còn ảnh hưởng tới xuất khẩu nông sản, nhất là trái cây trong 6-8 tháng tới. Bộ Công Thương khuyến nghị các chủ hàng chuyển sang xuất khẩu theo đường chính ngạch các lô hàng đủ điều kiện; khuyến nghị người bán đóng bao bì, gắn nhãn, gắn tem truy xuất nguồn gốc để dễ chuyển sang xuất khẩu theo đường chính thức. Các lô hàng không đủ điều kiện trên sẽ được ưu tiên giải phóng hàng khi chợ biên giới được mở lại.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề nghị tạm thời hạn chế việc chuyển hàng lên biên giới, thay vào đó tập trung tiêu thụ nội địa, tăng chế biến và tạm trữ tại các kho lạnh. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp đề nghị doanh nghiệp và ngành hàng các tỉnh tập trung chế biến và chế biến sâu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cơ cấu lại sản phẩm.

Thực tế đây không phải lần đầu giải cứu nông sản. Nhưng theo ông đại diện Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, nếu giải cứu mãi mà ngành nông nghiệp, người nông dân không tích cực chuyển hướng sang trồng và chế biến sâu thì “giải cứu sẽ không còn nhiều ý nghĩa”.

Anh Minh

vnexpress.net