Cửa hàng Lotte tại Thủ đô Hàn Quốc, doanh thu Lotte đã bị ảnh hưởng nặng nề khi mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc xấu đi Nguồn: Nikkei

Sụt giảm mạnh tại Trung Quốc

Phó chủ tịch Shinsegae Chung Yong-jin là một nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội, tự hào với 125.000 người theo dõi trên Instagram. Người thừa kế 48 tuổi của tập đoàn bán lẻ Hàn Quốc này thường xuyên đăng ảnh con gái, chú chó cưng, các cửa hàng và sản phẩm mới lên mạng xã hội.

Tuy nhiên, ông Chung tỏ ra rất phiền muộn khi tuyên bố trên mạng xã hội rằng chuỗi cửa hàng giảm giá E-Mart của Shinsegae sẽ rời khỏi thị trường Trung Quốc do thua lỗ nặng khi mối quan hệ của chính quyền Seoul và Bắc Kinh ngày càng xấu đi. Mà nguyên nhân sâu xa lại nằm ở chính việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc.

“E-Mart sẽ hoàn toàn rút khỏi Trung Quốc”, ông Chung nói trong hội chợ triển lãm quốc tế Hàn Quốc ở phía bắc Seoul và thừa nhận rằng họ đã thất bại tại thị trường này.

Doanh thu từ hoạt động kinh doanh của E-Mart tại Trung Quốc đã giảm 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 44,2 tỉ won (tương đương 39,4 triệu đô la Mỹ). Chỉ trong ba tháng đầu năm nay, lỗ từ hoạt động kinh doanh của hãng đã lên tới 4,3 tỉ won, trong khi mức thua lỗ ròng trong năm ngoái là 4,5 tỉ won, theo số liệu của Shinsegae.

Tình hình của Lotte Shopping, chuỗi bán lẻ thuộc tập đoàn Lotte, đối thủ của E-Mart tại Hàn Quốc, cũng không lấy gì tốt hơn. Trong số 112 chuỗi cửa hàng giảm giá ở Trung Quốc, 75 cửa hàng đã bị chính quyền Trung Quốc đình chỉ kinh doanh vào tháng 3-2017. Việc đóng cửa đã làm suy yếu nghiêm trọng hoạt động kinh doanh siêu thị của Lotte tại thị trường Trung Quốc, với doanh thu trong quí 1-2017 giảm tới 23,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 3, Lotte đổi sân golf của mình ở Seongju cho Bộ Quốc phòng Hàn Quốc. Khu đất này sau đó được quân đội Mỹ sử dụng để triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (THAAD) gây tranh cãi. Việc lắp đặt THAAD, dù với mục đích ngăn chặn vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, đã làm phật lòng Trung Quốc – đồng minh chính của Triều Tiên trong khu vực.

Thay đổi nhân khẩu học và phong cách sống ở Hàn Quốc cũng đang gây áp lực khiến các nhà bán lẻ chuyển trọng tâm kinh doanh sang các cửa hàng trực tuyến và cửa hàng tiện lợi.

Kể từ khi triển khai THAAD, làn sóng chống Lotte đã tăng lên ở Trung Quốc, với hàng loạt vụ tẩy chay và đình chỉ hoạt động kinh doanh của chính quyền nước này nhằm vào công ty. Làn sóng này không chỉ dừng lại ở Lotte mà còn lan sang nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc khác.

Các cửa hàng miễn thuế ở Hàn Quốc đang đang chịu tổn thất. Theo một báo cáo của Mirae Asset Daewoo Research, doanh thu của các cửa hàng miễn thuế Hàn Quốc trong tháng 3 đã giảm 19% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do Trung Quốc trả đũa bằng lệnh cấm công dân du lịch tới Hàn Quốc từ 15-3-2017.

Khó ngay ở trong nước

Trong khi các nhà bán lẻ Hàn Quốc đang bị các nhà chức trách Trung Quốc siết chặt, họ cũng phải đối mặt với một thách thức không nhỏ ở ngay thị trường trong nước. Ông Moon Jae-in , Tổng thống mới của Hàn Quốc, người mới lên nắm quyền hôm 10-5-2017, đã hứa sẽ chế ngự các các tập đoàn gia đình (hay còn gọi là chaebol), và lời hứa này là không ngoại lệ với các nhà bán lẻ Hàn Quốc.

Trong chiến dịch bầu cử, đảng Dân chủ của ông Moon cho biết họ sẽ kiểm soát các trung tâm mua sắm lớn. Đây là một trong những biện pháp nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ. Đảng cầm quyền này cũng cho biết sẽ hạn chế việc đưa khu mua sắm mới vào các thành phố, đồng thời ra lệnh giới nghiêm với những trung tâm này từ nửa đêm đến 10 giờ sáng.

Một rủi ro khác đối với các nhà bán lẻ Hàn Quốc là kế hoạch tăng lương tối thiểu của chính phủ. Ông Moon đã hứa tăng lương tối thiểu lên 10.000 won/giờ vào năm 2020, từ mức 6.470 won/giờ hiện nay. Điều này có nghĩa lương tối thiểu sẽ tăng trung bình khoảng16% mỗi năm trong ba năm tới.

Thay đổi nhân khẩu học và phong cách sống ở Hàn Quốc cũng đang gây áp lực khiến các nhà bán lẻ chuyển trọng tâm kinh doanh sang các cửa hàng trực tuyến và cửa hàng tiện lợi. Hiện nay, các hộ gia đình độc thân chiếm hơn ¼ trong tổng số 51 triệu dân.

Lim Soo-hyang, một người nội trợ 35 tuổi ở Ilsan, một thị trấn phía bắc Seoul, ngày nào cũng đến một cửa hàng tiện lợi CU trong khu phố của cô. Hai cô con gái của Lim, sáu tuổi và ba tuổi, thích ăn kem hoặc bánh quy tại cửa hàng cách đó một dãy nhà.

Về việc mua sắm tạp hóa, Lim sử dụng dịch vụ trực tuyến giao hàng tận nhà ngay trong ngày đặt hàng. “Tôi thích mua sắm trực tuyến vì thật là khó chịu khi đến chuỗi giảm giá với trẻ nhỏ”, Lim nói. Cô đánh giá: “Thật thuận tiện để đi mua sắm trực tuyến và nhiều công ty không tính phí giao hàng với đơn hàng từ 40.000 won trở lên.”

Là… cơ hội, nếu biết nắm bắt

Lãnh đạo của E-Mart cho biết doanh số bán hàng từ các chuỗi cửa hàng giảm giá chỉ tăng ít ỏi 1,6% so với năm ngoái, đạt 2.900 tỉ won trong quí 1-2017, trong khi doanh thu từ hoạt động kinh doanh trực tuyến tăng 25,1%, lên 243,8 tỉ won trong cùng thời kỳ. Doanh thu từ With Me, một thương hiệu cửa hàng tiện dụng, tăng 140,9%, lên 130,1 tỉ won trong cùng kỳ.

Bức tranh tương tự cũng diễn ra ở Lotte Shopping. Doanh thu từ chuỗi giảm giá của Lotte Mart đạt 2.200 tỉ won trong quí 1-2017, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh từ cửa hàng tiện lợi, với thương hiệu 7-Eleven, đã tăng doanh số bán hàng lên 4%, đạt 864 tỉ won trong cùng thời kỳ.

Sau thất bại ở Trung Quốc, E-Mart cho biết, tại thị trường nội địa, công ty đang phải đối mặt với xu hướng tiêu dùng ngày càng thay đổi theo hướng tăng sử dụng nền tảng bán hàng trực tuyến. Công ty đang tăng cường hoạt động tiếp thị liên quan để ứng phó với sự thay đổi này. Joo Kyung-don, phát ngôn viên của E-Mart, cho biết: “Chúng tôi đang cung cấp một loạt các chương trình khuyến mãi nhằm vào các nhóm khách hàng này, chẳng hạn như hộ gia đình độc thân và người già. Chúng tôi cũng đã cải tiến các chuỗi hậu cần để cung cấp tốt hơn cho khách hàng mua sắm trực tuyến”.

Các nhà phân tích cho rằng chiến lược của E-Mart nhằm tăng cường phân khúc bán hàng trực tiếp đã giúp tập đoàn này tăng thị phần.

Trong hai năm qua, E-Mart đã đứng đầu các doanh nghiệp khác trong ngành bán lẻ về tốc độ tăng doanh thu, với 3,5% vào năm 2015 và 5,7% năm 2016, so với Homeplus (doanh thu giảm 1,4% năm 2015 và 2% năm 2016) và Lotte Mart (doanh thu giảm 0,5% năm 2015 và tăng nhẹ 0,2% năm 2016).

Do tăng doanh số phân khúc bán hàng trực tuyến, cổ phiếu của E-Mart đã tăng 17,1% trong ba tháng qua, đạt 243.500 won ngày 31-5-2017, mức cao nhất trong một năm trở lại đây. Cổ phiếu của Lotte Shopping cũng tăng 26,2% trong cùng thời kỳ, vượt xa mức tăng 12,2% của chỉ số chứng khoán tổng hợp Hàn Quốc Kospi trong cùng thời kỳ. Điều này cho thấy các nhà bán lẻ đang tăng trưởng cùng với những thách thức mới mà họ phải đối mặt.

Theo TBKTSG/Nikkei